Có mặt tại khu vực sân vận động của thôn Đông Chiền, xã Hồng Quang (huyện Nam Trực) vào một buổi chiều đầu tháng 6, chúng tôi bị cuốn vào không khí sôi động cùng người dân nơi đây. Phía trong sân cỏ, các tuyển thủ bóng đá nữ của thôn chia thành hai đội thi đấu trong tiếng reo hò, cổ vũ của đông đảo khán giả; trên phần sân bê-tông kế bên, nhóm dân vũ đủ lứa tuổi, trang phục áo mầu cánh sen hồng, quần trắng, say sưa trong vũ điệu trên nền nhạc sôi động.
Gặp trưởng thôn Đông Chiền Nguyễn Công Sang, ông cho biết: Để có sân vận động của thôn diện tích tới 2.500 m2, với đầy đủ trang thiết bị luyện tập thể dục, thi đấu bóng đá, Chi đoàn Thanh niên thôn đã phát huy sức trẻ, năng động sáng tạo, huy động 220 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Trưởng thôn Nguyễn Công Sang cho biết thêm: Thực hiện mô hình "Xây dựng thôn văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu", năm 2023, cán bộ và nhân dân thôn Đông Chiền đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa mới trên diện tích 160 m2, với tổng kinh phí 550 triệu đồng và được trang bị đầy đủ các thiết bị. Từ ngày cơ sở vật chất văn hóa, thể thao được đầu tư đầy đủ, thuận tiện, đời sống sinh hoạt văn hóa trên địa bàn ngày càng phong phú, sinh động. Các câu lạc bộ dân ca, dân vũ... thường xuyên thu hút đông đảo hội viên tham gia tập luyện, biểu diễn, qua đó gắn kết tình làng nghĩa xóm, củng cố khối đoàn kết, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, thôn tập trung đầu tư hệ thống giao thông, tuyến đường chính trong thôn dài 1,3 km, rộng từ 5-7m được trải bê-tông nhựa, 100% đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa, có hệ thống thoát nước, có điện chiếu sáng; gần 200 gia đình đã lắp đặt internet và huy động nguồn lực triển khai lắp đặt 15 điểm wifi miễn phí ở khu vực công cộng. Hoàn thành mục tiêu xây dựng thôn văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân thôn Đông Chiền đã đóng góp thiết thực, làm cho kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Nam Trực và của tỉnh Nam Định ngày càng cao.
Cùng với thôn Đông Chiền, xã Hồng Quang, tại các khu dân cư trên địa bàn toàn huyện Nam Trực, phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được cụ thể hóa bằng phần việc, mô hình có sức lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ, nhân rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Đơn cử như xóm Nam Dương, xã Tân Thịnh với mô hình "Vận động nhân dân hiến đất, hiến công, hiến của làm đường giao thông, nhà văn hóa".
Bí thư Chi bộ xóm Nam Dương Tống Văn Thạo cho biết: Xóm có hơn 100 hộ, 300 nhân khẩu, là xóm thuần nông, thu nhập chủ yếu của người dân từ trồng lúa, trồng cây cảnh và nghề xây dựng, thế nhưng trong 4 năm qua, xóm đã huy động được gần 4 tỷ đồng để nâng cấp kết cấu hạ tầng, trong đó vận động nhân dân đóng góp với mức bình quân 6,5 triệu đồng/khẩu để làm đường giao thông. Đến nay, hệ thống giao thông trong xóm, liên xóm đều khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ở khu dân cư Khánh Hạ, Thôn 3, xã Nam Thái, nơi có 100% người dân theo đạo Công giáo, đã ủng hộ gần 2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, đường làng, ngõ xóm; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường điện chiếu sáng trục đường thôn; đến nay, khu dân cư có nhà văn hóa, sân thể thao với đầy đủ trang thiết bị bảo đảm cho sinh hoạt hội họp, văn hóa, văn nghệ.
Nhân dân thôn Xối Trì, xã Nam Thanh đã hiến 3.000 m2 đất và đóng góp kinh phí làm đường thôn, nhà văn hóa, lắp đặt điện chiếu sáng; nhân dân thôn 5, xã Nam Hải ngoài đóng góp kinh phí làm đường thôn, điện chiếu sáng còn có 90% số hộ dân trong thôn chủ động lắp đặt camera an ninh...
Không chỉ quan tâm "xây mới" mà coi nhẹ văn hóa hay đặt văn hóa thấp hơn kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới, từ các thôn, làng ở huyện Nam Trực đều quan tâm bảo tồn được những thiết chế mang bản sắc văn hóa làng truyền thống. Nhờ đó, những cổng làng, giếng nước, cây cổ thụ, chợ quê; văn hóa làng nghề, hội làng truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian không mất đi mà còn được khôi phục, phát huy.
Đến với làng Thanh Khê, xã Nam Cường, sẽ được chiêm ngưỡng không gian làng quê cổ kính với cổng làng, những di tích (trong đó có Di tích lịch sử-văn hóa Đền Thanh Khê) và hàng chục cây cổ thụ trăm năm tuổi, bởi trong nhiều năm qua được chính quyền và nhân dân nơi đây quan tâm đầu tư tu bổ bảo đảm nguyên trạng kiến trúc gốc, ngày càng phát huy giá trị trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Nếu muốn tìm hiểu về nghề rèn truyền thống thì đến thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang; nghề làm hoa giấy, đèn ông sao, đồ chơi Trung thu cổ truyền thì về thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang; nghề trồng hoa, cây cảnh thôn Vị Khê, xã Điền Xá; nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng, xã Nam Dương… Người dân các làng nghề truyền thống luôn ý thức, trách nhiệm cao trong bảo tồn, lưu giữ tinh hoa văn hóa làng nghề, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của quê hương Nam Trực.