Xây dựng nông thôn mới ở các xã bãi ngang

Bài 2: Những miền quê đáng sống

Thực tế cho thấy, các xã vùng khó khăn, bãi ngang, ven biển hạn chế nhiều trong xã hội hóa nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Do đó, để cán đích nông thôn mới cần nhiều giải pháp; trong đó, đổi mới cơ chế hỗ trợ đặc thù được xem là khâu đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Để các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, hải đảo có thể cán đích nông thôn mới (NTM) không chỉ có nỗ lực từ phía địa phương mà rất cần những chính sách thiết thực từ các bộ, ngành...

Gian nan đường về đích

Dù mới bắt tay vào xây dựng NTM hay đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM thì các địa phương trong cả nước đều xác định phát triển nông thôn luôn song hành với phát triển sản xuất nông nghiệp. Do đó, phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, đưa kinh tế nông thôn trở thành nguồn nội lực xây dựng NTM.

Trước đây, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vừa là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo, vừa là xã “an toàn khu”. Nơi đây được ví là vùng “5 không” (không điện, không đường, không trường, không trạm và không trụ sở). Suốt thời gian dài phấn đấu trong xây dựng NTM, xã Mỹ An chỉ được tỉnh công nhận 5 trong số 19 tiêu chí. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An Nguyễn Tấn Lâm cho biết: “Xây dựng NTM trong thời gian qua ở xã Mỹ An gặp rất nhiều khó khăn do địa phương nghèo, cơ sở hạ tầng lạc hậu. Đến nay, địa phương tự đánh giá đã đạt 14 trong số 19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Còn lại 5 tiêu chí địa phương đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2025 để được công nhận xã NTM”.

Tuy không thuộc diện xã “5 không”, nhưng xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cũng có những khó khăn nhất định. Số liệu thống kê của UBND xã Đỉnh Bàn cho biết, toàn xã có 15,7 km đường liên xã, trục xã và trục thôn hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Cơ sở vật chất trường học thiếu và yếu, hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa ở các thôn chưa đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng của người dân. Đặc biệt, trụ sở hành chính xã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu làm việc, hội họp của địa phương... ảnh hưởng tiến độ xây dựng NTM.

Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn Phạm Công Tùng cho biết, tính đến thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM để sáp nhập đơn vị hành chính xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn thành xã Đỉnh Bàn (năm 2019), địa phương này còn nợ 8 tiêu chí và 14 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua các thời kỳ. Qua rà soát, đến thời điểm hiện nay, các địa phương vẫn chưa trả xong “nợ chuẩn NTM”. Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm trước và sau sáp nhập địa giới hành chính, xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn đều nằm trong khu vực khai thác mỏ sắt Thạch Khê cho nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng và củng cố các thiết chế văn hóa không được chú trọng. Năm 2015, quyết định dừng khai thác mỏ sắt được ban hành, phong trào xây dựng NTM tại địa phương mới thật sự được triển khai. Chính vì vậy, đi chậm, về sau là đặc điểm chung của Đỉnh Bàn và không ít địa phương vùng khó khăn, bãi ngang, ven biển của tỉnh Hà Tĩnh.

Tăng cường hỗ trợ

Tại các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã được chú trọng và thực tế phát huy tác dụng mạnh mẽ. Ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Văn Hùng cho biết: Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh còn các xã đảo: Nghi Sơn, Hải Hà thuộc thị xã Nghi Sơn và xã Ngư Lộc, thuộc huyện Hậu Lộc được thụ hưởng các chính sách, danh mục đầu tư đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ngoài xã Hải Hà phải chuyển cư theo quy hoạch xây dựng khu kinh tế, khai thác lợi thế cảng biển Nghi Sơn, 2 xã còn lại được phân bổ 22,5 tỷ đồng, đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây lắp các công trình điện, đường, trường, trạm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) Lê Văn Tiến cho biết: “Huyện Thạnh Phú có 8 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo theo quyết định của Chính phủ (giai đoạn 2021-2025), đến nay đã có 3 xã về đích xây dựng NTM và ra khỏi danh sách xã bãi ngang, 3 xã đã hoàn thành và đang trình tỉnh để công nhận xã NTM. Riêng hai xã Mỹ An và An Điền đang phấn đấu đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng NTM, để huyện Thạnh Phú được công nhận huyện NTM”.

Những địa phương đặc biệt khó khăn đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, có năng suất cao vào sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn để về đích xây dựng NTM, thoát khỏi xã nghèo để tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong tương lai.

Theo đại diện Văn phòng điều phối NTM Trung ương, để xây dựng NTM tại vùng khó khăn, bãi ngang, ven biển, vấn đề quan trọng đặt ra là, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương đó phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền xã, thôn/bản và người dân về vị trí, vai trò, lợi ích của xây dựng NTM, người dân phải là chủ thể, là trung tâm, là động lực trong quá trình xây dựng NTM, cần tuyên truyền cho người dân hiểu đầy đủ ý nghĩa, giá trị nhân văn của xây dựng NTM đối với đời sống của chính mình. Có như vậy, một bộ phận người dân mới gạt bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, sẵn sàng đóng góp công sức, hiến đất, hiến tài sản cho xây dựng NTM.

Phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư, chính quyền... cùng với nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ xây dựng thành công NTM, là quyết tâm của người dân vùng khó khăn, bãi ngang và vùng ven biển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã và đang xuất hiện bất cập trong xây dựng NTM hiện nay. Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 được áp dụng đối với các xã khu vực III, khu vực II vùng dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ bị cắt hoàn toàn hỗ trợ, dẫn đến việc một vài địa phương không muốn ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn.

Chính vì vậy Văn phòng điều phối NTM Trung ương đã đề nghị Ủy ban Dân tộc và Miền núi tham mưu Chính phủ theo hướng: Từng bước giảm hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân, có lộ trình giảm dần và tiến tới cắt hỗ trợ hoàn toàn (thay vì cắt ngay các khoản hỗ trợ khi xã đạt chuẩn NTM). Đây cũng được xem là chính sách phù hợp (nếu được Chính phủ chấp thuận) nhằm tạo điều kiện cho địa phương thích ứng dần với việc không còn nhận được sự hỗ trợ, tự vươn lên, phát triển bằng thực lực của mình.

Hiện quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương đã và đang chủ động, lồng ghép các nguồn lực được phân bổ trên địa bàn (vốn trung ương phân bổ từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, các chương trình có mục tiêu, các dự án khác và vốn đối ứng của ngân sách địa phương) để vừa bảo đảm đạt mục tiêu của mỗi chương trình, đồng thời đạt được các mục tiêu về xây dựng NTM của từng thôn, bản, xã; để mỗi địa phương dần trở thành những miền quê đáng sống.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 3/8/2024.