Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở huyện Sông Lô

Những ngày này, chính quyền và nhân dân huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đang ra sức thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới văn minh, xây dựng các thôn, làng văn hóa kiểu mẫu. Người dân nơi đây quyết tâm biến vùng đất non nước hữu tình bên bờ sông Lô trở thành những vùng quê đáng sống.
0:00 / 0:00
0:00
Sản vật làng quê được giới thiệu tại Làng văn hóa kiểu mẫu Hòa Bình, xã Hải Lựu.
Sản vật làng quê được giới thiệu tại Làng văn hóa kiểu mẫu Hòa Bình, xã Hải Lựu.

Huyện Sông Lô ôm lấy dòng sông cùng tên, nhìn sang bên kia là thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ. Vào sâu trong đê là những dãy đồi, núi thấp, nơi bắt đầu của dãy Tam Đảo. Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp, tuy nhiên huyện Sông Lô vẫn thuần túy nông nghiệp. Người dân nơi đây vẫn ngày ngày gắn bó với đồng ruộng, cây sắn, cây ngô.

Nhờ có sự chắt chiu của chính quyền và nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện đã tiến được những bước dài. Nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới từ những năm 2013-2014. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 tiếp tục duy trì các tiêu chí cũ, đồng thời gom góp công sức, kinh phí xây dựng nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: Nhiều năm qua, xây dựng nông thôn mới được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến thôn, xóm. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, nhân dân trong huyện đóng góp 97,25 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, cùng với hiến đất và ngày công lao động. Các công trình sử dụng toàn bộ nguồn đóng góp của nhân dân thì nhân dân tự tổ chức triển khai. Hàng trăm tuyến đường làng, ngõ xóm được hình thành theo cách như thế. Đến tháng 10/2023, toàn bộ 16 xã của huyện đạt từ 75% các tiêu chí nông thôn mới nâng cao trở lên. Trong đó, xã Hải Lựu đã đạt tất cả 19 tiêu chí, các xã Bạch Lưu, Yên Thạch đạt 17 trong số 19 tiêu chí. Năm 2022, xã Cao Phong được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Năm nay, xã Nhạo Sơn đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Thị Ngọc Hà chia sẻ: Vừa qua, được tỉnh tiếp sức, cấp kinh phí, huyện Sông Lô đã hoàn thành ba khu văn hóa, thể thao của các làng văn hóa kiểu mẫu. Mỗi khu văn hóa, thể thao được đầu tư 15 tỷ đồng, to, đẹp, rộng rãi, nhiều tiện ích, trở thành điểm nổi bật ở vùng quê. Các xã Hải Lựu và Đức Bác đã tổ chức khánh thành khu văn hóa, thể thao và xã Quang Yên sẽ khánh thành khu văn hóa, thể thao trong tháng 11 này. Để xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, mỗi hộ dân thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu đóng góp ba triệu đồng hỗ trợ cho các hộ có đất phải thu hồi để xây dựng khu văn hóa, thể thao của thôn. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình đảng viên trong thôn đóng góp thêm một triệu đồng và vận động sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân, con em xa quê. Người dân đã hiến tặng 4.480 m2 đất để xây dựng khu văn hóa, thể thao và 1.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông. Tại xã Tân Lập, nơi Đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh 30 năm liên tục, việc huy động nguồn lực đóng góp từ nhân dân diễn ra khá thuận lợi trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp. Có 4 trong số 6 thôn của xã Tân Lập đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn xã phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao ở một số xã có dấu hiệu chững lại do khó khăn về kinh phí. Phân tích kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến tháng 6/2023 của huyện Sông Lô cho thấy: Tổng số tiền huy động được là 3.290 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 556 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 616 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 97,25 tỷ đồng; ngân sách xã chỉ có 31 tỷ đồng; còn lại là vốn tín dụng. Như vậy, nguồn kinh phí từ cấp xã rất thấp và số tiền người dân đóng góp cũng không cao.

Thực tế là việc huy động nguồn lực từ huyện, xã chủ yếu phụ thuộc vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, trong khi việc tổ chức bán đấu giá đất cũng đang gặp khó. Ông Mạc Thế Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Quế cho biết: Xã về đích nông thôn mới từ 10 năm trước song từ đó đến nay, nguồn lực hỗ trợ từ trên rất ít cho nên nhiều tiêu chí nông thôn mới nâng cao chưa đạt được. Hơn 11 năm qua xã không có nguồn thu từ đấu giá đất mặc dù trên địa bàn xã có nhiều điểm có thể bán đấu giá.

Cán bộ huyện và các xã mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc sớm triển khai xây dựng Nhà máy nước Phúc Bình và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy nước tại xã Đôn Nhân để các xã đạt được chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, do nguồn thu khó khăn, huyện Sông Lô cũng cần hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện các tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học.

Tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm thông qua quy định về mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình, dự án phát triển kinh tế khác để thúc đẩy công tác xây dựng nông thôn mới ở những huyện khó khăn.