Theo đánh giá của các chuyên gia, trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời cũng là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn, nhất là khi ngân hàng “siết” chặt tín dụng bất động sản.
Theo báo cáo tổng quan thị trường trái phiếu tín dụng, giai đoạn 2016-2020, trái phiếu tín dụng Việt Nam đã tăng từ mức 4.300 tỷ đồng lên mức 10.300 tỷ đồng (tăng 2,4 lần).
Trong năm 2020, tỷ lệ đóng góp vào GDP của trái phiếu tín dụng tại Việt Nam mới đạt 15,1%. Trong 10 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành 234.000 tỷ đồng trái phiếu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường.
Mặc dù các sai phạm bị xử lý chỉ xuất hiện ở một số trường hợp nhất định, song tính “nhạy cảm” của thông tin đã vô tình tạo tâm lý bất an, khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, hiệp hội cùng thảo luận, đóng góp ý kiến, hiến kế các giải pháp ổn định thị trường, tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và nhà đầu tư thị trường trái phiếu tín dụng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, nhận định: Các nhà đầu tư dễ gặp rủi ro do chưa hiểu biết rõ về trái phiếu và đơn vị phát hành. Bên cạnh đó, một số đơn vị phát hành che giấu thông tin và mục đích thật sự của việc phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, cần xét đến vai trò môi giới của ngân hàng và công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng. Về điều này, cần có hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hơn.
Một vấn đề hết sức quan trọng là cần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… trong việc giám sát kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành trái phiếu với lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4%, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống. Như vậy, mức lãi suất này cho thấy tính ổn định và tương đối an toàn, giảm tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư.”