Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Lê Hoàng Anh chia sẻ: Thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, trong khi một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa tin chưa chính xác, hoặc lợi dụng sai phạm của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích riêng.
Tại Diễn đàn, các ý kiến trao đổi, thảo luận tập trung làm rõ những nguyên nhân, khó khăn vướng mắc trong mối quan hệ báo chí-doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp, kiến nghị. Cụ thể như: Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí, báo chí cần minh bạch hơn trong việc xử lý thông tin…
Đây là dịp để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp.
Diễn đàn cũng khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, xây dựng chiến lược truyền thông doanh nghiệp hiệu quả, từ đó xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng.
Phó Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EcoReal Nguyễn Tấn Việt cho rằng, để bàn luận giữa quan hệ báo chí và doanh nghiệp, cần bảo đảm hoặc đặt trong phạm vi một số tiêu chí gồm: Thông tin là dữ liệu sống còn; Quan hệ tích cực và xuyên suốt; Quảng cáo/PR là xu thế tất yếu; Khủng hoảng cũng được xem xét; Đổi mới là chìa khóa cần tính đến trong việc duy trì mối quan hệ phát triển.
Khẳng định báo chí và doanh nghiệp đều đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và hình thành tri thức, giúp doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, cần đặt ra các nguyên tắc cơ bản khi hợp tác, như: Quan hệ hợp tác cởi mở; mối quan hệ độc lập và trung thực; quan hệ xây dựng để tạo niềm tin cho xã hội.
Báo chí và doanh nghiệp đều hoạt động dựa trên tôn chỉ mục đích riêng của mình, nhưng để cùng phát triển, cả hai phía cần tăng cường tổ chức những diễn đàn trên tinh thần giao lưu, hợp tác và chia sẻ thẳng thắn, cởi mở.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin một cách thường xuyên, nhanh chóng và chính xác, góp phần nâng cao tính cạnh tranh về mặt thương hiệu và sản phẩm. Các cơ quan báo chí không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của phóng viên, biên tập viên, bảo đảm chất lượng thông tin và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Đề cao vai trò của truyền thông báo chí trong quá trình đồng hành, hỗ trợ đơn vị, đại diện Tập đoàn FVG cho rằng: Báo chí không chỉ chuyển tải những thông tin hoạt động kinh doanh, sự kiện, mà phải là cầu nối để chuyển tải những tâm tư nguyện vọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án đến với chính quyền địa phương.
Khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, Diễn đàn “Báo chí- Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo khi viết và phản ánh về doanh nghiệp; Xây dựng chiến lược truyền thông cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế.