Chiều 25/10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội thảo chiến lược dữ liệu quốc gia góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nhấn mạnh: muốn chuyển đổi số được, trước tiên phải tạo lập được được nguồn dữ liệu. Nguồn dữ liệu này sẽ được sử dụng để mang lại những giá trị cho người dân. Trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác định điện tử, trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc, nhằm tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Đại tá Vũ Văn Tấn phát biểu khai mạc. |
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, qua 2,5 năm triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã cung cấp các dịch vụ công thiết yếu (nền tảng cơ bản để tạo lập dữ liệu); phục vụ cho việc phát triển kinh tế; tạo lập được công dân số; tạo lập bộ dữ liệu dùng chung để các đơn vị liên quan khai thác; giá trị tham mưu, hoạch định chính sách cho địa phương, cho Chính phủ.
Trong quá trình triển khai Đề án 06, đã xác định một số điểm nghẽn về pháp lý, dữ liệu nghiệp vụ, hạ tầng, bảo mật, nguồn lực. Đây là những điểm nghẽn cần phải tháo gỡ để tiếp tục triển khai Đề án 06 đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, Chính phủ số.
Một trong những mấu chốt để tháo gỡ điểm nghẽn đó chính là việc cần thiết thiết lập bộ pháp lý liên quan tới dữ liệu, trong đó cần thiết phải có Luật về Dữ liệu.
Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy phát biểu đề dẫn. |
Đề dẫn hội thảo, Trung tướng PGS.TS, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân Bộ Công an Phan Xuân Tuy cho biết: Việc xây dựng luật dữ liệu là hết sức quan trọng, cấp thiết và cấp bách phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây là nội dung được nhấn mạnh tại tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dữ liệu được trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo tờ trình của Chính phủ, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu. Ở nước ta, tất cả các luật hiện nay đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu. Tuy nhiên, chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu.
Do đó, việc xây dựng Luật Dữ liệu là cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số.
Trung tướng Phan Xuân Tuy khẳng định: Đây là dự án luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế xã hội, vừa để thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Hội thảo cũng là dịp để huy động các chuyên gia, doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học đóng góp ý kiến nhằm xây dựng Luật Dữ liệu, cũng như nêu lên các kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong quá trình xây dựng luật.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tiếp tục tham vấn chính sách cho các cơ quan tổ chức để đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng các bộ dữ liệu.
Trên cơ sở kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, từ đó tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất hơn.
Các đại biểu cũng đã đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm khơi thông nguồn vốn và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong khai thác dữ liệu; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Chiến lược dữ liệu Quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao.