Chiều 28/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến”.
Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, tính đến nay, cả nước có 57 trong số 63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã hơn 174 nghìn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ chín trong số 10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.
Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 nghìn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 nghìn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12 nghìn ha.
Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã hơn 174 nghìn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ chín trong số 10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới… Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hơn 17 nghìn đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…
Điều này cho thấy, phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai mạnh mẽ, đang từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Mục tiêu đề ra đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1ha đất hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thương mại sản phẩm, như: thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…
Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Quế Lâm, nút thắt của nông nghiệp hữu cơ, cũng là nút thắt của ngành nông nghiệp của chúng ta hiện nay có 3 vấn đề.
Thứ nhất là thực trạng khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt. Thứ hai là vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, ảnh hưởng sức khỏe người sản xuất. Thứ ba là vấn đề sức khỏe cây trồng, vật nuôi, sức khỏe người tiêu dùng.
Nếu giải quyết được 3 vấn đề này, nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công.
Mục tiêu đề ra đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1ha đất hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
“Thực tế hiện nay chúng ta có rất nhiều chính sách nhưng để hỗ trợ người nông dân không phải chuyện đơn giản. Hỗ trợ làm sao cho đúng, cho trúng, thiết thực thì đòi hỏi những mô hình liên kết thực chất, hiệu quả thực chất và có cơ sở khoa học để chứng minh”, ông Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh.
Để phát triển thị trường hữu cơ tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng là rất quan trọng. Điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng.
Các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng...