Hưởng lợi nhiều mặt và bền vững
Ngược về năm 2012 khi nữ TS Kako Inoue được Tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) cử đi thực hiện thí điểm dự án Pamci. Đây là chương trình hợp tác của Trường đại học Tokyo (Nhật Bản) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo TS Kako, thôn Thượng Phúc khi ấy xa nhà máy và quốc lộ, xa nguồn ô nhiễm nên khi xét nghiệm mẫu đất, mẫu nước đều cho kết quả đạt chuẩn, là nơi thích hợp để thực hiện thí điểm.
Ban đầu, đa số người dân đều chưa hiểu rõ định nghĩa “nông nghiệp hữu cơ”, canh tác theo nguyên tắc hữu cơ Pamci và kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI). Bởi vậy, không ít người hoài nghi về sự hiệu quả của nó nếu không có sự can thiệp của hóa chất, không bón phân vô cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật… Ban đầu chỉ có 9 hộ dân tham gia với hai mẫu lúa canh tác ở cánh đồng gốc Đa của thôn. Nhưng đến năm 2014, qua quá trình “vừa học vừa làm” dưới sự hướng dẫn của TS Kako, mặc dù một đến hai vụ đầu năng suất chưa cao do đất đai chưa thuần, nhưng dự án kết thúc vẫn thành công với gần 5ha diện tích sản xuất lúa hữu cơ. Dự án thực hiện ở mấy điểm của Hà Nội nhưng chỉ có thôn Thượng Phúc là trụ lại.
Sau khi dự án trao quyền tự chủ sản xuất lại cho nông dân Thượng Phúc vào năm 2015, mô hình đã mở rộng từ 9ha/vụ tới năm 2020-2021 lên 45ha/vụ, năm 2021-2022 lên 55ha/vụ. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được thành lập năm 2017 với 89 thành viên nay đã lên tới 103. Hiện tại, diện tích sản xuất của xã được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ là gần 24ha, chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam 42ha và vụ xuân 2022 tiếp tục mở rộng thêm 10ha.
Theo chị Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú: “Bên cạnh giống Bắc Thơm số 7, bà con còn được đặt hàng cấy cả giống lúa Nhật đặc sản J02 lẫn giống Q5 để sản xuất bún, bánh. Vụ xuân năm nay năng suất đạt 285-320kg/sào, tương đương 7,8 tấn-8,6 tấn/ha và thóc được một số đơn vị như Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam và mới đây nhất là Công ty Bảo Minh thu mua tươi tại chỗ”.
Ngoài những lợi ích kinh tế, người dân thôn Thượng Phúc còn được sống trong một môi trường tự nhiên trong lành, sạch sẽ và được sử dụng nguồn lương thực hữu cơ an toàn do mình làm ra. Bà Lê Thị Hò, một trong số những thành viên tham gia hợp tác xã từ ngày đầu, cho hay: “Canh tác thế này không sử dụng thuốc sâu, không phải bón phân vô cơ nên công việc cũng giảm bớt độc hại. Sản phẩm gạo hữu cơ lại rất an toàn”. Nơi đây còn trở thành “vùng an toàn” với hệ sinh thái cân bằng và được những cánh đồng lúa hữu cơ xanh bao bọc, che chở trước sự ô nhiễm của đô thị. Có lẽ không còn nhiều làng quê, nơi người dân có thể thoải mái câu và ăn cá trong mương ruộng lúa như ở đây.
Truyền cảm hứng…
Thời gian qua, gạo hữu cơ Đồng Phú đã được đăng ký sản phẩm OCOP bốn sao, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, chào hàng sang các thị trường có tiềm năng như Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thành công này còn trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa sang các địa phương lân cận và nhiều tỉnh, thành phố khác như Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình…
Với các xã trên địa bàn, huyện Chương Mỹ chủ trương tạo điều kiện tối đa cho các hợp tác xã để phát triển theo hướng hữu cơ và phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho nông dân để chuyển đổi sang hình thức này. Điển hình trong số các xã chuyển là xã Nam Phương Tiến và xã Quảng Bị. Nam Phương Tiến đã phát triển vùng trồng lúa hữu cơ Japonica từ năm 2019 với 20ha, đã được công bố nhãn hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến, Chương Mỹ”. Hợp tác xã đứng ra chỉ đạo sản xuất, cam kết thu mua, tuy nhiên sơ chế vẫn phải thuê doanh nghiệp bên ngoài, giá bán gạo chưa cao và sản lượng chưa nhiều. Một khó khăn nữa là khi sản xuất, nếu gặp mưa lớn thì cánh đồng ở đây rất dễ bị ngập úng nên Nam Phương Tiến đã đề nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng hệ thống lái lũ để điều tiết nước.
Mới đây nhất, xã Quảng Bị đã có 5ha do hợp tác xã đứng ra tổ chức sản xuất, thuê ruộng của nông dân để làm từ năm 2021. “Gạo Đồng Phú ăn ngon, năng suất cao và bán được giá cao. Bởi vậy, lãnh đạo xã Quảng Bị quyết định học tập mô hình này, làm thí điểm từng khu, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia. Hiện, đơn vị đã có sản phẩm gạo nhưng chưa được chứng nhận vì phải cần thêm một đến hai năm chuyển đổi để có thể đạt tiêu chuẩn hữu cơ thực sự”, ông Vũ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị cho biết.
Sức khỏe và tuổi thọ người dân Thượng Phúc cũng được nâng cao. Cả thôn có 209 hộ với 800 nhân khẩu, Hội người cao tuổi có đến 110 người, nhiều cụ 90 tuổi vẫn khỏe mạnh và ra đồng bình thường.