Phóng viên: Lâm Ðồng được đánh giá là một trong những địa phương thể hiện được nỗ lực và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Xin đồng chí cho biết những kết quả, thành tựu nổi bật của Lâm Ðồng trong thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua?
Ðồng chí Trần Ðức Quận: Nửa đầu nhiệm kỳ, trong bối cảnh nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen song, với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Lâm Ðồng đã triển khai thực hiện khá tốt các nhiệm vụ, tạo động lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra, sớm vươn tới mục tiêu đưa Lâm Ðồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2025; là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên và cả nước.
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến, như kinh tế giai đoạn 2021-2023 tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên, một số chỉ tiêu đạt và tiệm cận kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,36%; GRDP bình quân đầu người hơn 85,6 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 15,4%/năm. Ðổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả, cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng; các khâu đột phá, dự án, công trình trọng điểm được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được chăm lo, cải thiện; quốc phòng-an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Có thể khẳng định, điểm sáng trong nửa nhiệm kỳ qua là kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cấp, mở rộng; dự án mở rộng, nâng cấp đèo Prenn sẽ hoàn thành cuối năm 2023. Dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; tỉnh đang thực hiện các phần việc với quyết tâm cao nhất để khởi công hai dự án cao tốc này đúng thời gian dự kiến; qua đó, tạo động lực phát triển đột phá kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Ðồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Chương trình xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Ðến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 109/111 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 40 xã nông thôn mới nâng cao, 14 xã kiểu mẫu; TP Ðà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và hữu cơ có bước phát triển mạnh; toàn tỉnh có 11 vùng sản xuất nông nghiệp với 66 nghìn ha đạt tiêu chí ứng dụng công nghệ cao; hơn 2.130 ha ứng dụng công nghệ thông minh, hữu cơ; giá trị sản xuất bình quân đạt 245 triệu đồng/ha. Hạ tầng du lịch được đầu tư về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu du khách; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hơn 202,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11,6%/năm.
Giai đoạn 2021-2023, có 46 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với số vốn hơn 21,2 nghìn tỷ đồng; gần 4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn điều lệ hơn 46,7 nghìn tỷ đồng. Có 5 dự án trọng điểm đang triển khai đầu tư xây dựng, 11 dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục. Ðề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025" được triển khai, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo… Ðây là kết quả của tập thể Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Ðồng.
Phóng viên: Ðồng chí có thể chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị cũng như phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Ðồng trong nửa nhiệm kỳ vừa qua?
Ðồng chí Trần Ðức Quận: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11, Lâm Ðồng luôn kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết, thống nhất của địa phương; phát huy vai trò, sức mạnh tập thể, đề cao trách nhiệm, trí tuệ cá nhân, với tinh thần quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, thực chất, biến thách thức thành cơ hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện, tỉnh rút ra một số bài học, như kịp thời cụ thể hóa nghị quyết, các chủ trương, chính sách mới của Ðảng, Nhà nước; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời thích ứng linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành; xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, "nói đi đôi với làm"; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chú trọng bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp và đồng thuận cao trong xã hội.
Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, nắm chắc tình hình, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh; tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề cấp bách, những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình phát triển; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Ðồng thời, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, tận dụng tốt các cơ hội, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Phóng viên: Ðể hiện thực hóa mục tiêu Lâm Ðồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2025, như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra, Lâm Ðồng sẽ ưu tiên, thực hiện những khâu đột phá nào trong thời gian tới?
Ðồng chí Trần Ðức Quận: Với mục tiêu xây dựng Lâm Ðồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2025; là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên và cả nước, tỉnh Lâm Ðồng nhất quán thực hiện quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hài hòa và bền vững; phát huy vai trò, sức mạnh tập thể, đề cao trách nhiệm, trí tuệ cá nhân; lấy con người làm trung tâm, khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực, khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh vùng đất, giá trị văn hóa, con người Lâm Ðồng.
Tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11, các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ; tập trung thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành về các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ưu tiên tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch chất lượng cao, công nghiệp có chọn lọc; phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc... Ðồng thời, tỉnh tập trung triển khai thực hiện đạt hiệu quả 4 khâu đột phá và 17 công trình trọng điểm như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra; trong đó, chú trọng phát triển những lĩnh vực có tiềm năng lớn, như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, logistics, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia.
Lâm Ðồng tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; đẩy mạnh du lịch theo hướng hiện đại, có nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với đặc sản riêng có và bản sắc văn hóa các dân tộc nam Tây Nguyên; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; chủ động, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để phát triển các mặt hàng có lợi thế, giá trị cao. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện; tập trung rà soát, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách; chú trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhà đầu tư đủ năng lực, có sức lan tỏa; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế của tỉnh; triển khai quyết liệt công tác đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và huy động các nguồn lực khác đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển.
Ðổi mới tư duy về liên kết vùng, nội vùng, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ nhau phát triển và giải quyết các vấn đề mang tính quốc gia, toàn cầu. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực khoa học; có chính sách mạnh mẽ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số phù hợp với xu thế phát triển; làm tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Ðồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; quy hoạch tỉnh Lâm Ðồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm phát huy các giá trị cốt lõi, tiềm năng, lợi thế, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển; quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đưa Nghị quyết 23 vào cuộc sống; coi trọng công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị, bảo đảm đoàn kết thống nhất trong nội bộ.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! ■