Trong bối cảnh đó, ngày 15/7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với mục tiêu hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai bảo đảm mục tiêu chống dịch.
Những gánh nặng từ thiên tai, dịch bệnh
Những năm vừa qua, thiên tai diễn biến rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Năm 2020, thiên tai ở nước ta diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước.
Đặc biệt vào nửa cuối năm, nhiều tình huống thiên tai nghiêm trọng như bão chồng bão, lũ chồng lũ, lũ quét, sạt lở đất đồng thời xảy ra ở khu vực miền trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, ước thiệt hại về kinh tế 39.945 tỷ đồng.
Công tác phòng, chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong khi mùa thiên tai mưa bão đang tới với dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng từ 5-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam.
Vấn đề đặt ra của các cấp chính quyền, các nhà quản lý và người dân là làm thế nào để có những giải pháp, những phương án sẵn sàng chủ động để giảm thiểu thiệt hại trong tình huống xảy ra nguy cơ khủng hoảng kép giữa thiên tai và dịch bệnh.
Bên cạnh thiên tai, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tới từng khía cạnh của cuộc sống, từng gia đình và từng người dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất như trẻ em.
Thời điểm hiện tại, trẻ em tại Việt Nam đang phải chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19 do sự gián đoạn của việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo đánh giá nhanh của UNICEF, số trẻ em tới tiêm chủng ở các trạm y tế xã đã giảm hơn 2/3 trong thời gian giãn cách xã hội. Sự chậm trễ trong việc tiêm chủng cho trẻ em có thể dẫn tới tái xuất hiện một số bệnh mà vốn có thể kiểm soát được tốt như sởi, rubella hay bạch hầu.
Hay về khía cạnh dinh dưỡng, chất lượng và số lượng bữa ăn của nhiều trẻ đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch, đặc biệt là những nhóm trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ dân tộc thiểu số, trẻ em trong các gia đình nghèo, cận nghèo và khó khăn, hay trẻ em trong các khu vực bị phong tỏa.
Đặc biệt, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu đã trở thành gánh nặng kép làm trầm trọng hơn ảnh hưởng của Covid-19 tới với các hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình có trẻ em thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Xây dựng những kế hoạch cụ thể
Để bảo đảm công tác chuẩn bị ứng phó bài bản và có hiệu quả, Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các cấp chính quyền, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 63 tỉnh/thành phố, đặc biệt là các tỉnh/thành phố có nguy cơ xảy ra các hình thái thiên tai nguy hiểm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất tiếp tục rà soát, chủ động phương án sẵn sàng bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với các phương án cụ thể đặc biệt trong trường hợp phải sơ tán dân khi thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; bảo đảm cơ sở vật chất về y tế, lực lượng xung kích đáp ứng cũng như tránh lây lan dịch bệnh, giữ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Đặc biệt cần chú trọng công tác thông tin, truyền thông trong phòng chống thiên tai, bảo đảm mỗi người dân đều nắm được các hướng dẫn kỹ năng an toàn trong bối cảnh nguy cơ kép thiên tai và dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn các giải pháp kỹ thuật để các địa phương phát huy phương châm “bốn tại chỗ” chủ động trong phòng ngừa khủng hoảng kép thiên tai và dịch bệnh trong năm 2021.