Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định

NDO - Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó, có 5 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID.
Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Thông tin về kết quả công tác tư pháp quý III năm 2024, trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 7/10, tại Hà Nội, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, bảo đảm tiến độ thực hiện đối với các nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.

Trong đó, Bộ Tư pháp đã trình 3/3 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, Bộ đang tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8; xây dựng Luật Thi hành án dân sự, đề nghị xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).

Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát đối với các văn bản quy phạm pháp luật với trọng tâm là: “rà soát, xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô” theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ.

Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”; ban hành nhiều văn bản quán triệt, đôn đốc địa phương trong việc triển khai số hóa sổ hộ tịch; phối hợp các cơ quan có liên quan hỗ trợ địa phương kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông điện tử liên quan đến khai sinh, khai tử theo đúng quy định.

Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định ảnh 2

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý thông tin về kết quả công tác tư pháp quý III.

Bên cạnh đó, trong hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp Bộ Công an ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) để triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 tới ngày 30/6/2025; phối hợp hướng dẫn địa phương để kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh/thành phố với Ứng dụng VNeID và Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó, có 48/63 tỉnh/thành phố đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật; có năm địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID; các tỉnh đã thử nghiệm thành công còn lại đang thực hiện kiểm thử toàn trình, chuẩn bị đánh giá an toàn thông tin…

Đáng chú ý, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, qua bước đầu thống kê từ kết quả thi hành án của các địa phương cho thấy, đã thi hành xong hơn 621.568 việc, tăng 45.901 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 83,86% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,61% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao hơn 83,25%.

Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc, với hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Về kết quả thi hành án hành chính, trong 12 tháng năm 2024, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án, tăng 599 bản án so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 73.7%). Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính là 652 bản án.

Tại buổi họp báo, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật đã cung cấp thông tin về Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024, với chủ đề "Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp". Diễn đàn sẽ được tổ chức vào sáng ngày 9/10 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đây là lần thứ hai diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Cũng tại buổi họp báo, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Ngọc Hà đã cung cấp thông tin về Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất.

Theo đó, tác phẩm tham dự Giải báo chí thuộc tất cả các thể loại báo chí viết về công tác Tư pháp trên toàn quốc (trừ tin và ảnh), được đăng từ ngày 1/5/2023 đến ngày 30/5/2025 trên các loại hình báo in và báo điện tử của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa ba tác phẩm tham dự Giải. Số tác giả của một nhóm tác giả không quá 7 người.