Tại Hà Nội, trong 11 tháng qua (từ ngày 1/10/2023 đến 30/8/2024), cơ quan thi hành án dân sự thành phố các địa phương đã giải quyết gần 69 nghìn việc, trong đó có hơn 54 nghìn việc có điều kiện thi hành và đã thi hành xong hơn 37 nghìn việc, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số tiền phải giải quyết hơn 95 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Còn tại tỉnh Nghệ An, cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong 11 tháng qua đã giải quyết hơn 23 nghìn việc, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã tăng cường phối hợp cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, đôn đốc, hỗ trợ, do vậy kết quả của công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều địa phương đã phối hợp tốt các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như phối hợp các ngành chức năng đẩy nhanh công tác đấu giá tài sản để thi hành án.
Tháo gỡ vướng mắc trong thi hành án dân sự
Tại tỉnh Cao Bằng, trong 11 tháng qua, mặc dù số lượng các việc phải giải quyết là 3.580 việc, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, số việc thi hành xong đạt 2.955 việc, vượt 8,95% so với chỉ tiêu được giao. Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong số 88 việc phải thi hành, với số tiền hơn 23 tỷ đồng, cơ quan thi hành án các cấp đã thi hành xong 63 việc, với số tiền hơn 17 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82,89% về việc, 87,44% về tiền.
Cơ quan thi hành án dân sự các cấp của Cao Bằng đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức đấu giá tài sản để thi hành án với 11 việc đấu giá thành, tương ứng với hơn 15 tỷ đồng, góp phần bảo đảm công tác thi hành án dân sự trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện thi hành án dân sự tại một số địa phương vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục, như: Một số hồ sơ vụ việc chưa xác minh đầy đủ, kịp thời, nhất là các nội dung xác minh về tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng.
Nguyên nhân do chấp hành viên chưa ý thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác xác minh, chưa có thói quen văn bản hóa các kết quả xác minh. Vẫn còn tình trạng chấp hành viên nắm rõ điều kiện tài sản của người phải thi hành án nhưng không có tài liệu thể hiện nội dung này trong hồ sơ thi hành án.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như bán đấu giá nhiều lần không thành, đang trong quá trình tổ chức giải quyết phát sinh tranh chấp, tài sản để thi hành án là tài sản chung của hộ gia đình, của vợ chồng cần thực hiện các thủ tục để xác định, phân chia, chờ kết quả xét xử của tòa án.
Một số chấp hành viên, đơn vị giải quyết vụ việc chưa thực hiện liên tục, dứt điểm, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, chưa mạnh dạn áp dụng các biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.
Thời gian tới, cơ quan thi hành án dân sự các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp đã đề ra. Trong đó, nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã chỉ đạo cục thi hành án dân sự các địa phương quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời Quyết định số 142/QĐ-TCTHADS ngày 1/2/2024 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành kế hoạch công tác năm 2024 của tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan hoạt động tín dụng, ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng, bảo đảm kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2024 đạt tỷ lệ cao hơn năm 2023 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành. Đôn đốc, chỉ đạo chấp hành viên tập trung rà soát kỹ những vụ việc còn tồn đọng, liên quan xử lý tài sản bảo đảm, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, bảo đảm giá trị tài sản bảo đảm thu hồi hiệu quả nhất.
Lãnh đạo các đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả tổ chức thi hành án đối với những vụ việc phức tạp, có giá trị lớn; những vụ việc hơn ba năm chưa thi hành xong. Đối với những vụ việc chậm thi hành án do nguyên nhân chủ quan của cá nhân, các đơn vị cần phải nghiêm túc chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm, bảo đảm thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật, quan tâm công tác kiểm tra, xử lý, trong đó lưu ý những đơn vị có số lượng vụ việc thi hành án lớn, tính chất phức tạp. Trường hợp nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời chỉ đạo tháo gỡ hoặc báo cáo xin ý kiến cơ quan cấp trên.