Tăng tốc đồng bộ hệ thống pháp luật

Với phương châm "lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển", thời gian qua, Quốc hội đã khẩn trương tiến hành nhiều hội nghị, hoạt động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đưa luật vào đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc lần thứ hai tại Nhà Quốc hội. Ảnh: DUY LINH
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc lần thứ hai tại Nhà Quốc hội. Ảnh: DUY LINH

Tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã tiến hành sáu kỳ họp định kỳ, năm kỳ họp bất thường và hai Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai diễn ra mới đây, chỉ gọn trong một buổi sáng, hai báo cáo trung tâm, cùng 12 báo cáo, tham luận, và nhiều ý kiến phát biểu đã cho thấy sức nóng của các vấn đề đặt ra.

Ở Hội nghị lần thứ nhất (tháng 9/2023), tuy là lần đầu diễn ra, chỉ một ngày với 52 luật và nghị quyết, trong đó có 15 luật, 21 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ năm và tám luật, tám nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ năm được quán triệt triển khai.

Thay vì phải đợi đến tháng 9 năm nay, Hội nghị lần thứ hai đã được triển khai ngay đầu tháng 3 này, bởi chín luật và 10 nghị quyết (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ năm) đều là những nội dung rất quan trọng, chờ áp dụng ngay vào đời sống.

Có thể thấy, số luật, nghị quyết được triển khai tại Hội nghị tuy không nhiều, nhưng độ phức tạp và khó, thì chín luật và 10 nghị quyết được triển khai lần này là khá nặng, với khoảng 400 nội dung cần xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trong đó, riêng để triển khai Luật Đất đai 2024, đã có 104 nội dung Luật giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Cùng đó, một khối lượng khá lớn các văn bản dưới luật khác có liên quan cần rà soát để sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ với Luật Đất đai 2024, và tám luật được sửa đổi, bổ sung tại Mục 1 Chương XVI của Luật Đất đai 2024 (gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).

Cũng bởi khó và phức tạp như thế, nên nhiều chuyên gia bày tỏ đồng tình, hoan nghênh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức sớm Hội nghị triển khai các luật, nghị quyết trên. Đây là tinh thần chủ động, "từ sớm", "từ xa" - khởi nguồn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV và đang được thực tiễn chứng minh là có hiệu quả - trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của Quốc hội.

Nhìn chung, tinh thần của Hội nghị lần thứ hai này, từ mục đích, ý nghĩa đến nhiều nội dung đặt ra, đòi hỏi trong thực tiễn đều thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt, đồng bộ nhằm thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ nhất, đồng thời tiếp tục thực hiện yêu cầu "gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả" - theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - linh hoạt và đồng bộ giữa việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Các kỳ họp, các hội nghị của Quốc hội thời gian qua, thường được tổ chức theo hình thức trực tiếp (tại Nhà Quốc hội), tường thuật trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, một số hội nghị kết hợp cả trực tuyến đến điểm cầu tại hầu hết các tỉnh, thành phố, với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu, cán bộ lãnh đạo đủ mọi lĩnh vực và thành phần, cho thấy tính quán triệt đang ngày một nâng cao.

Phát biểu tại Hội nghị, với góc nhìn biện chứng, ghi nhận các kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là "bước đầu", còn trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản chi tiết và tổ chức thực thi "mới đánh giá hết được chất lượng của luật". Trên thực tế, khối lượng công việc cần tiếp tục triển khai để có thể đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống là rất lớn, đặc biệt, nhiều luật được Quốc hội thông qua tại hai kỳ họp gần đây nhất có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định chi tiết "vừa nhiều", "lại vừa khó", "vừa đòi hỏi cao về tiến độ" (có những nội dung của Luật Đất đai đặt ra thời điểm áp dụng ngay từ ngày 1/4/2024…). Điều này đòi hỏi tất cả các văn bản quy định chi tiết phải được ban hành đồng bộ. Trong khi, các luật, nghị quyết Quốc hội vừa thông qua quy định nhiều chính sách mới, cơ chế đặc thù cũng như các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, cơ sở.

Từ những vướng mắc, hạn chế trong thực thi, ở bối cảnh có nhiều thách thức và đòi hỏi mới, cử tri và nhân dân mong mỏi Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm đưa luật, các nghị quyết vào cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm nay và các nhiệm vụ quan trọng khác của cả giai đoạn sắp tới.

"Cần tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị". (Trích bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng", nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam).