Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

NDO - Theo Bộ Tư pháp, trong 6 tháng qua, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là hơn 10 nghìn tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tư Pháp họp báo quý I năm 2024.
Bộ Tư Pháp họp báo quý I năm 2024.

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ quý 1 năm 2024.

Thông báo kết quả công tác tư pháp quý 1/2024, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết quả, từ tháng 10/2023 đến nay, đã thi hành xong hơn 242 nghìn việc và 47.590 tỷ đồng; trong đó, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 1.177 việc, với hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự được tập trung chỉ đạo. Tính từ 1/10/2023 - 29/2/2024, Cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được số tiền hơn 8.960 tỷ đồng.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ảnh 1
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý chủ trì họp báo.

Thời gian từ nay đến hết quý II/2024, Bộ Tư pháp tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; các Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp.

Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy định số 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nghị quyết số 126 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; chú trọng thi hành tốt các vụ án lớn, có nhiều người bị thi hành án.

Tại họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thắng Lợi cung cấp thông tin về quá trình thi hành án đối với bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Theo ông Lợi, ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án, các tài sản, vật chứng được chuyển giao cho cơ quan thi hành án. Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã chỉ đạo, rà soát tính pháp lý, nhằm bảo đảm quá trình thi hành án đối với bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo sau này.

Vụ án mới tuyên ngày hôm qua (11/4), là án sơ thẩm, chưa có hiệu lực thi hành. Nếu phần dân sự tới đây không có kháng cáo, kháng nghị và bản án có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ thi hành đúng theo quy định pháp luật - ông Lợi nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết thêm, đơn vị đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ hướng dẫn để ngay khi bản án vụ Vạn Thịnh Phát có hiệu lực pháp luật, sẽ tổ chức thi hành án.

Trả lời câu hỏi của phóng viên quan điểm của Bộ Tư pháp về quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, hành chính Lê Thị Vân Anh cho rằng: trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nghiêm cấm hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, hành chính nhấn mạnh, về quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Bộ Tư pháp cho rằng, việc cấm tuyệt đối hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.

Trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế có những nghiên cứu có tính khoa học, bảo đảm phù hợp thực tiễn, phù hợp ý thức tham gia giao thông của người dân cũng như bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật.