Xây dựng gia đình và cộng đồng hạnh phúc

Năm 2012, các thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 20-3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sơ kết 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm” và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Ngày 26-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm” gồm các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức cá nhân, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Trong 5 năm thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền trên các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên và mạnh mẽ, nội dung tuyên truyền bám sát chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ phát động tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tổ chức tại Việt Nam. Hàng nghìn tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tập trung tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc; chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình,vi phạm pháp luật về gia đình, khuyến khích mọi cá nhân tổ chức có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.

Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều tổ chức tuyên truyền trực quan, cổ động bằng các hình thức căng băng-rôn, pa-nô, áp-phích tại trụ sở, cơ quan, trên các trục đường chính đông dân cư của các địa phương với những nội dung hướng tới Ngày Quốc tế Hạnh phúc như “Yêu thương và chia sẻ”, “Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, “Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc”… Nhiều địa phương còn có hình thức tuyên truyền bằng xe lưu động, trình chiếu trên màn hình. Bên cạnh đó, là hàng loạt hoạt động như: Tổ chức mít-tinh, hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, các cuộc thi, sự kiện mang chủ đề Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các bộ, ngành tổ chức bốn sự kiện trong bốn năm vừa qua, có sức lan tỏa tạo dư luận tốt, tập trung vào xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhiều hoạt động ở cơ sở cũng diễn ra với chủ đề phong phú, sáng tạo, thu hút đông người tham gia như biểu dương, liên hoan, gặp mặt các gia đình hạnh phúc, vợ chồng người cao tuổi hạnh phúc, các hoạt động thiện nguyện, xây dựng nhà tình nghĩa, hiến máu cứu người…

Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng công tác gia đình và chỉ rõ gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Đã có nhiều chính sách, biện pháp phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, đồng thời phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Hạnh phúc gia đình có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc đời mỗi con người. Hạnh phúc gia đình tan vỡ sẽ đem đến bất hạnh cho nhiều người, nhất là con trẻ. Gia đình Việt Nam đang đứng trước nguy cơ và thách thức không nhỏ: Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn ngày càng tăng; tệ nạn xã hội tiếp tục thâm nhập vào gia đình; tình trạng tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp; bạo lực và xâm hại trẻ em, diễn ra phức tạp. Đáng chú ý, gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình rất nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, ngày 29-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống gia đình. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Bên cạnh đó, theo tinh thần của Ngày Quốc tế Hạnh phúc, hạnh phúc không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, tình yêu đôi lứa mà được mở rộng đến mọi người. Vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng cộng đồng hạnh phúc. Ở đó, mỗi người đều quan tâm đến nhau, giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái như đạo lý của cha ông ta “Thương người như thể thương thân”. Với thông điệp tuyên truyền chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, lễ phát động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tại Việt Nam mang tính hiệu triệu, vận động mạnh mẽ và tính nhân văn sâu sắc. Các tấm gương điển hình cụ thể về xây dựng cộng đồng hạnh phúc xuất hiện ngày càng nhiều, cần sớm được tổng kết và khen thưởng kịp thời. Để qua đó, tạo ý thức và hành động thiết thực trong xây dựng gia đình và cộng đồng hạnh phúc, phát huy được nguồn lực từ xã hội trong các hoạt động chương trình từ thiện, nhân đạo, các chương trình miễn phí, giảm phí, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng thời gian qua ước tính hàng chục tỷ đồng.

Cả hai lĩnh vực xây dựng hạnh phúc gia đình và xây dựng hạnh phúc cộng đồng đều cần phải phát huy có hiệu quả truyền thống văn hóa đạo lý của dân tộc, đồng thời có chủ trương chính sách kịp thời và phù hợp.