Năm học 2024-2025, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 5, 9, 12 là những khối lớp cuối cùng để thực hiện đổi mới đầy đủ, đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục phổ thông nên càng đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo để đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu đổi mới, sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; riêng năm học 2023-2024, các địa phương tuyển dụng được 19.474 giáo viên.
Đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, với nhiều điểm mới, tạo thuận lợi trong nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Ngành giáo dục và các địa phương đã triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông theo đúng quy định. Năng lực sư phạm của phần lớn giáo viên được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, nhất là trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đến nay, đội ngũ giáo viên phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu; kết thúc năm học 2023-2024, cả nước có 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông; tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên giáo dục mầm non là 89,3%, cấp tiểu học là 89,9%, THCS 93,8%, THPT 99,9%.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng so với yêu cầu đổi mới giáo dục thì hiện nay vẫn thiếu giáo viên cục bộ ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Cơ cấu đội ngũ giáo viên mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Một bộ phận nhỏ giáo viên ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên…
Để phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt nhất yêu cầu đổi mới, năm học 2024-2025, ngành giáo dục tiếp tục triển khai lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo cho đội ngũ giáo viên; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương thực hiện công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên bảo đảm sát nhu cầu thực tiễn, nhất là dự báo tốt quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất, gắn với tốc độ đô thị hóa tại các địa phương để nắm bắt; dự báo được biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền để có những dự báo tốt nhất về số lượng học sinh, số lớp học tăng, từ đó có tính toán nhu cầu giáo viên phù hợp.
Riêng đối với các địa phương cần thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72 nghìn biên chế được giao chưa tuyển dụng). Các trường học tích cực tổ chức các hoạt động trao đổi tổ nhóm chuyên môn trong trường và liên trường đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học… nhằm phát triển đội ngũ giáo viên đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.