Cùng suy ngẫm

Xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định trong thực hiện thành công đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng hiện nay vẫn còn nhiều rào cản.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo viên lồng ghép giáo dục kỹ năng sống bảo vệ môi trường vào tiết dạy môn Công nghệ tại Trường tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội).
Giáo viên lồng ghép giáo dục kỹ năng sống bảo vệ môi trường vào tiết dạy môn Công nghệ tại Trường tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội).

Để từng bước giải quyết vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên, hỗ trợ các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện triển khai Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo quy định.

Bộ cũng phối hợp các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để làm căn cứ pháp lý cho các địa phương tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được ngành Giáo dục quan tâm thực hiện theo hướng dẫn, gắn với nhu cầu thực tiễn yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% đã làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục. Cả nước vẫn thiếu hơn một trăm nghìn giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thấp hơn so với quy định.

Đáng chú ý, ngành Giáo dục cũng đề xuất các chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; đồng thời tạo động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Các địa phương tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; tích cực chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bố trí, sử dụng đội ngũ cơ bản bảo đảm theo khung năng lực, vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng so với thực tế nhu cầu đổi mới đặt ra, tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu.

Việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% đã làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục. Cả nước vẫn thiếu hơn một trăm nghìn giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thấp hơn so với quy định.

Cơ cấu đội ngũ giáo viên còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật... Trong khi số trẻ đến trường hằng năm thường tăng thêm nhưng công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế.

Đáng chú ý, chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 quy định giáo dục tiểu học tổ chức học hai buổi/ngày và thêm một số môn học mới, bắt buộc... cũng góp phần gây nên tình trạng thiếu giáo viên.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện hiệu quả quá trình đổi mới, ngành Giáo dục cần tiếp tục rà soát số chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp các bộ, ngành liên quan bổ sung biên chế cho ngành; tiếp tục triển khai có lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục...

Đáng chú ý, các địa phương cần tuyển dụng hết số chỉ tiêu biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu, tránh tình trạng có chỉ tiêu nhưng không tuyển để tính vào kết quả giảm 10% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức nói chung.

Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện hợp đồng giáo viên theo quy định trong trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ để giáo viên yên tâm công tác, nhằm bảo đảm đủ đội ngũ thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục và đào tạo...