Ngày 12/5, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho biết, vừa ký quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”.
Mục tiêu đầu tư công trình nhằm tạo sản phẩm đặc thù phục vụ khách du lịch và phát huy nét độc đáo của làng bè với quy mô đầu tư xây dựng gồm 165 bè, vèo cá.
Theo đó, sơn sắc màu 161 bè theo hiện trạng và 4 vèo cá không sơn, mỗi nhà bè sẽ sơn một màu, lần lượt theo thứ tự màu là đỏ-vàng-cam-lục-lam-tím.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp tỉnh do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện từ năm 2021-2023.
Công trình thuộc ấp Phước Thọ và Ấp Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú trãi dài 1.170m. Làng bè Châu Đốc nằm trãi dài từ ngã ba sông Châu Đốc kéo dài lên phía đầu nguồn châu thổ sông Hậu và sông Châu Đốc của huyện An Phú là nơi nuôi cá nước ngọt nổi tiếng của tỉnh An Giang nói riêng và miền Tây nói chung. Đây là địa điểm du lịch độc đáo phát triển trong một vài năm trở lại đây.
Khi dự án được hoàn thành sẽ tạo nên một cảnh quan đặc sắc, duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long, do địa thế từ trên cao nhìn xuống sẽ là những mảng màu đan xen kết nối, tạo nên quang cảnh rực rỡ sắc màu, là điểm nhấn độc đáo khu vực ngã ba sông nhìn từ nhiều hướng.
Mặt khác, khi được đầu tư đèn màu về đêm sẽ tạo nên một làng bè lung linh soi mình trong nước. Đây sẽ là địa điểm lý tưởng để du khách thưởng lãm và chụp ảnh check-in lưu niệm.
Bên cạnh đó thị trấn Đa Phước còn nổi tiếng với làng Chăm Đa Phước hình thành khoảng 120 năm, nơi đây có Thánh đường EHSAN và Thánh đường SUNNAH là 2 công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng và trùng tu rất khang trang là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm.
Du khách có thể đi bằng ghe từ Châu Đốc hoặc đi xe đến thị trấn Đa Phước sau đó xuống ghe để tham quan làng bè. Du khách trải nghiệm cuộc sống làng bè của người dân, cách người dân nuôi trồng thủy sản trong lòng bè, trải nghiệm môi trường sông nước.
Sau đó du khách ghé thăm làng Chăm, thánh đường Hồi giáo, xem nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm, trải nghiệm cuộc sống với người dân nơi đây.