Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đoạn sông Châu Đốc (một nhánh sông Hậu), chảy qua khu vực sạt lở thị trấn An Phú có dạng khúc khuỷu, dòng sông bị gấp khúc quanh co tạo nên bờ lồi, bờ lõm và đoạn bị sạt lở thuộc cung lõm của khúc cong. Khu vực này nhà dân trên cọc và xây bó nền liền kề nhau, nằm dọc theo tỉnh lộ 957. Đây là đoạn sạt lở phát sinh mới, không nằm trong 53 đoạn sông được cảnh báo hằng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Như Nhân Dân điện tử thông tin, ngày 3-6, khu vực sạt lở trên xảy ra rạn nứt và đến ngày 5-6 xảy ra sạt lở đất bờ sông với vết sạt dài 35m lấn sâu vào đất liền khoảng 5m. Sự cố đã làm sụp hoàn toàn nhà bếp của hộ ông Đoàn Văn Hải và ông Trần Văn Buôn, gây nguy hiểm đến bốn nhà lân cận. Qua khảo sát, vị trí sạt lở chỉ còn cách đường tỉnh lộ 957 khoảng 20m.
Theo kết quả đo đạc, tại vị trí sạt lở, dòng sông gấp khúc có hố sâu bất thường, chiều rộng lòng sông bị co hẹp, phía bờ đối diện đang bồi lắng mạnh, sạt lở tại bờ lõm của đoạn cua cong. Tại vị trí sạt lở xuất hiện lạch sâu, khu vực này có khoảng cách giữa hố sâu và bờ là gần nhất, nguy cơ xảy ra sạt lở tiếp tục là rất cao.
Dự báo, đoạn đường bờ dài 550m, từ Cửa hàng vật liệu xây dựng Quyên Phát đến Nhà máy nước đá Tân Long Hưng thuộc thị trấn An Phú, nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới và nhiều khả năng khoét sâu vào đất liền, đe dọa đến an toàn của đường tỉnh lộ 957. Qua đó cho thấy, các nguyên nhân trượt và sạt lở khu vực này là do nằm trên đoạn gấp khúc của sông, dòng chảy uốn cong, chuyển hướng và lệch về phía bờ lõm (thị trấn An Phú) gây xâm thực mạnh và tạo mái bờ dốc đứng gây ra khoét sâu chân bờ dưới dạng hàm ếch, đồng thời phương tiện đường thủy lưu thông, tạo nên sóng gây bào mòn chân bờ. Ngoài các yếu tố tự nhiên, còn do xây dựng nhà cửa, tường kè đôn cao nền lấn sông của người dân, làm gia tăng tải trọng, không bảo đảm tải trọng giữa nền đất và mái dốc làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị UBND huyện An Phú thống kê và di dời các hộ dân trong phạm vi 130m, tính từ trung tâm vị trí sạt lở lên thượng nguồn 70m (đến bến đò Bùng Binh), và hạ nguồn 60m (ngay cầu cống); có kế hoạch di dời các hộ còn lại trong đoạn dự báo sạt lở đến nơi ở an toàn; tiến hành cấm các biển báo sạt lở và thông tin đến người dân biết phòng tránh đi lại do tình hình sạt lở nguy hiểm của khu vực này, chặt hạ độ cao các cây gỗ lớn ven bờ. Thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở và báo cáo về Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan khi có hiện tượng bất thường về dấu hiệu sạt lở: vết nứt phát triển, lún sụp… để xử lý kịp thời.
Thông báo cho người dân trong khu vực theo dõi các dấu hiệu trên, tránh nguy cơ sạt lở gây thiệt hại tính mạng con người và tài sản. Đề nghị Sở Giao thông vận tải phối hợp UBND huyện An Phú thông báo hạn chế xe có tải trọng lớn, giảm tốc độ các phương tiện giao thông thủy, bộ khi lưu thông qua khu vực này; phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án bảo vệ đường tỉnh lộ 957.