Kiên trì với giá trị cốt lõi chứ không phải là Ý TƯỞNG
“Xây dựng để trường tồn” của tác giả Jim Collins và Jerry I. Porras là cuốn sách thuộc hàng kinh điển trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, được nhắc đến trong câu chuyện bàn về chiến lược của rất nhiều những doanh nhân tài ba trong hàng chục năm qua, chứng tỏ sức hút và sự lan tỏa, thẩm thấu của nó vào thực tế là vô cùng mạnh mẽ, để trở thành một trong những cuốn sách không thể bỏ qua.
“Xây dựng để trường tồn” tập trung vào các doanh nghiệp xuất sắc và vẫn tồn tại xuất sắc đến ngày nay như General Electric, Procter & Gamble, 3M, Hewlett-Packard, IBM… từ đó nghiên cứu sâu những yếu tố tạo nên thành công lâu dài và bền vững của họ. Điều tuyệt vời của cuốn sách là nó không chỉ có giá trị đối với tầng lớp lãnh đạo, mà còn hữu ích đối với những người quan tâm đến sự phát triển cá nhân và tìm kiếm định hướng trong cuộc sống.
Đặc biệt đề cao những giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp, tác giả chỉ ra rằng các công ty vĩ đại và bền vững được xây dựng trên nền tảng của các giá trị và tầm nhìn rõ ràng, dài hạn, được đặt ra từ khi mới thành lập, chứ không phải chỉ dựa trên sự xuất sắc của một cá nhân hay một sản phẩm duy nhất.
Để trở thành một công ty vĩ đại, các nhà lãnh đạo cần tập trung vào việc xây dựng một nền văn hóa đặc biệt và quyết định nhân sự dựa trên sự phù hợp với giá trị và tầm nhìn của công ty thay vì chỉ dựa trên kỹ năng.
Jim Collins và Jerry I. Porras đóng góp cho độc giả những khái niệm quan trọng và đầy sức nặng như "BHAG" (Big Hairy Audacious Goals – mục tiêu lớn và táo bạo) và "Clock Building, not Time Telling" (không phải “người báo giờ”, mà phải “tạo ra đồng hồ”). Các khái niệm này giúp định hình triết lý kinh doanh để đạt được thành công bền vững trong thời gian dài, cam kết theo đuổi một mục tiêu lớn lao.
Nếu mục tiêu lớn và táo bạo nhằm tiếp thêm sinh lực cho một tổ chức và tập trung mọi người xoay quanh tổ chức đó, dẫn dắt họ vượt qua những biến động khó lường, thì “Clock Building” ám chỉ việc xây dựng công ty có thể phát triển lâu dài, không phụ thuộc vào một nhà lãnh đạo nào cả.
Những người sáng lập các công ty hàng đầu luôn có khuynh hướng “tạo ra đồng hồ”. Họ tập trung vào việc xây dựng tổ chức – một chiếc đồng hồ lâu bền – hơn là việc chỉ dựa vào một sản phẩm, một thị trường thành công mà thôi. Thay vì cố đạt được hình ảnh một nhà lãnh đạo xuất sắc, họ mang phong cách của một kiến trúc sư, cống hiến toàn bộ sức lực vào việc lập nên một tổ chức tuyệt hảo.
Xây dựng và giữ gìn giá trị cốt lõi nhưng đồng thời thúc đẩy SỰ TIẾN BỘ
Giá trị thực tiễn của cuốn sách nằm ở chỗ Jim Collins và Jerry I. Porras kiến giải các vấn đề trừu tượng một cách tường minh và dễ hiểu. Theo quan điểm của tác giả: Tư tưởng cốt lõi = Các giá trị cốt lõi + Mục tiêu cốt lõi. Trong đó, các giá trị cốt lõi chính là các nguyên lý chủ chốt và lâu dài của tổ chức phải được giữ gìn theo thời gian, không được đem ra đánh đổi lấy những lợi ích tài chính hay động cơ ngắn hạn.
Hãy thử trả lời câu hỏi “Giá trị nào là giá trị mà chúng ta sẽ theo đuổi, sống chết với nó dù hoàn cảnh bên ngoài có thay đổi, thậm chí tạo ra những bất lợi cho chúng ta? Ngược lại, những giá trị nào chúng ta sẵn lòng thay đổi hay vứt bỏ nếu môi trường bên ngoài không thuận lợi?”. Mục tiêu cốt lõi là lý do chính tổ chức tồn tại, vượt lên trên việc tìm kiếm lợi nhuận thông thường.
_____________________________
Luôn có thể làm tốt hơn, đi xa hơn, tìm ra những khả năng mới hơn.
- Jim Collins và Jerry I. Porras -
______________________________
Nhưng liệu việc quá tôn sùng và theo đuổi giá trị cốt lõi có làm cho doanh nghiệp thiếu sức mạnh cạnh tranh và thiếu tính linh hoạt trong bối cảnh mới, nhất là khi đây là một cuốn sách được viết cách đây gần 30 năm. Thực tế thì "Xây dựng để trường tồn" hướng tới việc gìn giữ cái cốt lõi nhưng phải thúc đẩy sự tiến bộ. Không được nhầm lẫn giữa tư tưởng cốt lõi với những yếu tố khác như văn hóa, chiến lược, chính sách, vận hành,…
Qua thời gian, tất cả những thứ đó đều phải thay đổi, chỉ trừ một thứ, là tư tưởng cốt lõi. Các công ty hàng đầu luôn có động cơ và nội lực bên trong như một thứ bản năng gốc là khát khao sự tiến bộ, không bao giờ bằng lòng với hiện tại, dù hiện tại có đang tốt đẹp thế nào đi nữa. Giống như một cái gì đó âm ỉ, nhức nhối, cháy bỏng, niềm khao khát này không bao giờ được thỏa mãn hay chấm dứt, với quan niệm: “Luôn có thể làm tốt hơn, đi xa hơn, tìm ra những khả năng mới hơn”.
Để làm được điều này những công ty hàng đầu luôn thể hiện sự tự tin và tự phê phán rất cao. Sự tự tin cho phép họ đặt những mục tiêu táo bạo, hành động quyết liệt, liều lĩnh, đôi khi thách thức những kiến thức phổ biến thông thường. Mặt khác, sự tự phê phán sâu sắc cho phép họ có những cải tiến, thay đổi đó.
Nói KHÔNG với chữ “hoặc”, nói CÓ với chữ “và”
Một điều thú vị, cuốn sách rất Tây mà tác giả lại sử dụng biểu tượng âm dương nhằm phản ánh đặc tính quan trọng của các công ty hàng đầu: không bao giờ đồng ý với chữ HOẶC. Quan điểm này bắt nguồn từ việc người ta tin rằng một vật phải là A hoặc B, chứ không thể là cả hai.
Thí dụ, bạn có thể thay đổi hoặc ổn định; bạn có thể bảo thủ hoặc táo bạo; bạn có thể chọn chi phí thấp hoặc chất lượng cao; bạn có thể đầu tư cho tương lai hoặc phát triển trong ngắn hạn; bạn có thể đem lại lợi ích cho cổ đông hoặc tạo ra phúc lợi cho xã hội; bạn có thể được thúc đẩy bởi các giá trị (lý tưởng) hoặc thúc đẩy bởi lợi nhuận (thực dụng); bạn có thể giữ gìn những giá trị hoặc cải tiến để thích nghi...
Các công ty hàng đầu không chấp nhận điều đó. Họ tìm cách vận hành hoàn hảo cả trong ngắn hạn VÀ dài hạn, vừa mang tính lý tưởng VÀ vừa thực dụng, vừa giữ các giá trị cốt lõi VÀ vừa thay đổi để thích nghi với môi trường. Điều này đi ngược lại với quan điểm kinh doanh thông thường chỉ quan tâm đến “tối đa hóa lợi nhuận và lợi tức cho cổ đông” vốn không phải là yếu tố thúc đẩy hay mục tiêu chính trong suốt lịch sử của các công ty hàng đầu. Họ theo đuổi một loạt mục tiêu, trong đó kiếm lợi nhuận chỉ là một mục tiêu, và không cần thiết phải là mục tiêu số một.
Với phong cách viết RÕ RÀNG và DỄ HIỂU, “Xây dựng để trường tồn” đã trở thành một trong những cuốn sách quản lý kinh doanh được ưa chuộng nhất trong những năm qua.
Xuyên suốt trong cuốn sách, giá trị cốt lõi là trụ cột và được bảo vệ vững chắc, phát triển không ngừng bằng các yếu tố có tính liên kết như văn hóa, mục tiêu, chiến lược, chiến thuật, chính sách, quy trình… để rồi các yếu tố đó trở thành động lực thúc đẩy sự tiến bộ trong toàn chức. Mỗi câu chuyện là một bài học, mỗi thương hiệu được nhắc đến là một case study điển hình.
Nói vậy không có nghĩa là họ đặt nhẹ lợi nhuận, không có công ty hàng đầu dẫn dắt thị trường nào mà lợi nhuận kém. Điều này xuất phát từ quan điểm: lợi nhuận cũng như không khí, thức ăn, nước uống và máu của cơ thể. Chúng không phải là mục đích của cuộc sống, nhưng thiếu chúng thì không thể tồn tại được. Và doanh nghiệp thành công lâu dài khi hài hòa được mục tiêu ngắn và dài hạn thay vì để chúng triệt tiêu nhau.
Với phong cách viết rõ ràng và dễ hiểu, “Xây dựng để trường tồn” đã trở thành một trong những cuốn sách quản lý kinh doanh được ưa chuộng nhất trong những năm qua. Đây là một tài liệu tham khảo, cuốn cẩm nang tư duy và nghệ thuật quản trị quan trọng cho bất kỳ ai muốn xây dựng một doanh nghiệp bền vững vượt thời gian.