Xây dựng đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030

NDO -

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động Việt Nam đến năm 2030.

Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường (Bắc Ninh) quay lại sản xuất sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: Thái Sơn).
Công ty TNHH sản xuất điện tử PCB Cát Tường (Bắc Ninh) quay lại sản xuất sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: Thái Sơn).

Thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam

Thị trường lao động Việt Nam được hình thành, phát triển chính thức từ năm 1986 đến nay, từng bước đã tạo được khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động. Quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên, chất lượng việc làm ngày dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước duy trì dưới 3%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: chất lượng việc làm, chất lượng lao động ở nước ta còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Còn thiếu nhiều lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới; có sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế, mặc dù số lượng lao động không có việc làm lớn nhưng một số ngành nghề, địa phương không tuyển được lao động;…

Có nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam.

Cụ thể như, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ được đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động, chưa nắm bắt được xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động dưới sự tác động của bối cảnh mới, chưa xác định được cơ chế vận hành của chính sách để đạt được những kết quả như kỳ vọng.

Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều việc làm có chất lượng, năng suất và tính bền vững cao. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn thấp nên chưa tạo đột phá để kích thích chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại. Cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ. Các định chế an sinh, bảo hiểm của thị trường lao động mới hình thành và phát triển thực sự từ 10 năm qua, thể chế và năng lực vận hành đều còn yếu và có độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao. Thị trường lao động chưa có sự liên thông, kết nối cao.

Thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều động lực tăng trưởng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm cải tiến năng suất và năng lực sản xuất. Sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ và xu hướng tăng cường ký kết các hiệp định thương mại đa phương và song phương của các nền kinh tế đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thông qua việc tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy lưu thông vốn và hàng hóa; tăng cường vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ. Xu thế này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cầu lao động khi cơ cấu việc làm và yêu cầu về kỹ năng trình độ sẽ thay đổi nhanh chóng. 

Từ cơ sở khoa học, yêu cầu thực tế trong nước và kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng và thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển thị trường lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2025, 45% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội

Xây dựng đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 -0
Ảnh minh họa: Duy Linh. 

Mục tiêu tổng quát của dự thảo đề án là thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động để tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và vận hành đồng bộ, thông suốt thị trường lao động; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, có sự kết nối các thị trường với nhau, thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đề án đề xuất các chỉ tiêu cụ thể, chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Các chỉ tiêu của giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. 

Dự thảo cũng nêu ra sáu mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất là, Hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo động lực cho thị trường lao động phát triển.

Thứ hai là, Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả nam và nữ, bao gồm cả thanh niên, người khuyết tật. Trong đó, duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ trọng việc làm trong ngành nông nghiệp trên tổng số việc làm đến năm 2025 dưới 30% và đến năm 2030 dưới 20%. Tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm tối thiểu đạt 5%/năm. Tỷ lệ nữ giới trong tổng số lao động được tạo việc làm hơn 48%/năm.

Thứ ba là, Tăng đáng kể số lao động có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có việc làm tốt và làm chủ doanh nghiệp. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đến năm 2025 hơn 28% và đến năm 2030 là hơn 35%.

Trụ cột Kỹ năng đối với các chỉ số trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu (nhóm 60) vào năm 2025 và thuộc nhóm 40 nước đứng đầu vào năm 2030.

Thứ tư là, Giảm đáng kể tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc đào tạo. Theo đó, tỷ lệ thanh niên độ tuổi 15-24 không được đào tạo, giáo dục nghề nghiệp dưới 25% vào năm 2025, dưới 20% vào năm 2030. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên độ tuổi 15-24 dưới 6% năm 2025, dưới 5% năm 2030

Thứ năm là, Bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động làm trong khu vực phi chính thức.

Dự thảo đề xuất nâng tỷ lệ việc làm phi chính thức đạt 35% vào năm 2025 và đạt 25% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào năm 2025 và đạt 60% năm 2030, trong đó lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm trên 2,5% lực lượng lao động vào năm 2025 và chiếm trên 5% lực lượng lao động vào năm 2030.

Thứ sáu là, Đầu tư, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia, tổ chức giao dịch việc làm.

Theo đó, năm 2025 có 80% và năm 2030 có hơn 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo được hướng nghiệp. Năm 2025 có 40% và năm 2030 có 45% lao động được hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm. Hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia sự chia sẻ thông tin, dữ liệu liên thông trên toàn quốc và giữa các vùng vào năm 2025 và mở rộng kết nối với các nước trong khu vực ASEAN, một số nước là thị trường lao động chính của Việt Nam vào năm 2030.

Dự thảo Đề án cũng nêu ra sáu giải pháp cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh tới hoàn thiện khung pháp lý thị trường lao động, tạo môi trường thông suốt để phát triển thị trường lao động đồng bộ với các thị trường khác. Tiếp đó là các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển cung  - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động và dịch vụ việc làm; phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; kết nối liên thông thị trường lao động; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Nghiên cứu trình dự án Luật Việc làm sửa đổi, bổ sung; Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi, bổ sung; Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi…và các chính sách nhằm hỗ trợ các lao động đặc thù.