Chủ động đổi mới, sáng tạo
Thời điểm tái lập tỉnh năm 2004, Đắk Nông nằm trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, cơ sở hạ tầng yếu kém. Thu ngân sách chỉ đạt khoảng 200 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 33,73%, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%...
Chặng đường 10 năm đầu (2004-2013) là giai đoạn Đắk Nông tập trung khắc phục khó khăn, định hình hướng đi, nỗ lực vươn lên để xây dựng và kiến thiết.
Nhận diện đúng tình hình, đề ra hướng đi đúng đắn, xây dựng các chính sách phù hợp; từ kinh nghiệm lãnh đạo trong giai đoạn 2004-2010, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 - 2015 lần đầu tiên đã xác định “2 tập trung, 3 đột phá” để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Hai tập trung đó là: phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng thiết yếu và đô thị hạt nhân, thu hút đầu tư. Ba đột phá gồm: phát triển công nghiệp khai khoáng và năng lượng; công nghiệp chế biến và nông nghiệp kỹ thuật cao; dịch vụ và du lịch.
Nhờ đề ra chủ trương đúng đắn, quy mô GRDP của tỉnh năm 2013 tăng gấp 3,6 lần so với năm 2004 (theo giá so sánh năm 1994). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách năm 2013 đạt 1.140 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so năm 2004, thu nhập bình quân đầu người tăng 7,9 lần so với năm 2004; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 33,73% (năm 2004) xuống còn 15,64% (năm 2013). Điểm nhấn trong thu hút đầu tư là khởi công xây dựng nhà máy Alumin Nhân Cơ, nhà máy điện phân Nhôm Đắk Nông; nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước chuyển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng. Giáo dục và đào tạo đã tăng 172 trường, với 1.326 lớp học, có 68 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát huy, với 40 lễ hội được phục dựng…
Từ 10 đảng bộ trực thuộc, với 7.000 đảng viên ban đầu, sau 10 năm đã tăng lên 13 đảng bộ với 21.300 đảng viên; xóa được 18 thôn, bon, bản “trắng” đảng viên là người tại chỗ. Công tác giáo dục truyền thống được chú trọng. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn. Tỉnh đã xây dựng 8 vị trí mốc với 16 cột mốc trên đường biên giới Việt Nam - Campuchia; mối quan hệ hữu nghị với tỉnh Mondulkiri được duy trì, củng cố.
Từ năm 2014 đến nay, kế thừa và phát triển “2 tập trung và 3 đột phá” đề ra tại nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020, đến Đại hội XII, Đảng bộ tỉnh xác định 3 trụ cột của nền kinh tế gồm phát triển công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; khai thác và phát triển tiềm năng du lịch. Đồng thời, lựa chọn 3 đột phá chiến lược: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực làm đòn bẩy phát triển.
Môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, với 3.668 doanh nghiệp hoạt động, tổng vốn đăng ký 35.188 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, tỷ lệ nhựa hóa đạt 70%.
Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, chế biến sâu, với 23 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, 4 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, 63 sản phẩm OCOP. Năm 2020, Công viên Địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế có bước phát triển vượt bậc. Các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm bảo tồn, phát huy. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, với 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 3%, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ước giảm trên 5%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo đa chiều) còn 7,97%.
Đồng chí Ngô Thanh Danh thăm, nói chuyện với cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. |
Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đắk Nông đã đạt những dấu ấn trên chặng đường phát triển mới, là tỉnh thứ 31 được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các chỉ số PCI, PAR-Index, chỉ số chuyển đổi số liên tục thăng hạng, đặc biệt năm 2022, chỉ số PCI tăng 14 bậc, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, quy mô GRDP năm 2023 tăng gấp 5,4 lần so với năm 2004 (theo giá so sánh năm 2010), thu nhập bình quân đầu người/năm đạt trên 60 triệu đồng, gấp 12 lần so với năm 2004. Thu ngân sách ước năm 2023 đạt 2.850 tỷ đồng, gấp 14 lần so với năm 2004.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng-an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả khá toàn diện. Bộ máy, hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quan hệ hữu nghị với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) được vun đắp; mở rộng các quan hệ đối ngoại, hợp tác, liên kết, đầu tư với một số tỉnh, thành trong nước và quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của Đắk Nông để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển.
Tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển
Bám sát quan điểm, mục tiêu, cùng với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII đề ra, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực phát triển trên chặng đường tiếp theo.
Đó là: Khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng: “Nhất tâm”, với đô thị Gia Nghĩa là trung tâm; “Nhị tuyến”, với quốc lộ 14 và quốc lộ 28 làm tuyến giao thông động lực phát triển chính. “Tam trụ”, với ba trụ cột phát triển kinh tế-xã hội: công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; du lịch.
“Tứ vùng”, với 4 vùng trọng điểm: Tiểu vùng trung tâm gồm thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp; Tiểu vùng phía đông gồm huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong; Tiểu vùng phía tây gồm huyện Đắk Song và huyện Tuy Đức; Tiểu vùng phía bắc gồm huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút. Huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch gắn với quản lý tốt quy hoạch, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Quyết tâm thực hiệu quả 3 trụ cột tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược trên nền tảng khoa học-công nghệ và chuyển đổi số. Ban hành cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực trụ cột tăng trưởng; đi đôi với thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy phối hợp triển khai cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); hoàn thiện đưa các dự án đang triển khai sớm đi vào hoạt động. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với thị trường. Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông phục vụ phát triển du lịch.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tàu chọn Đắk Nông làm điểm đến, với phương châm “Doanh nghiệp thành công - Đắk Nông phát triển”. Cải cách hành chính và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực.
Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; gắn bó mật thiết với nhân dân.
Đồng chí Ngô Thanh Danh thăm, tặng quà các hộ nghèo xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông. |
Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới; chăm lo giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững. Tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc; nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường ổn định để phát triển. Chú trọng thực hiện hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố thế trận lòng dân, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững.
Phát huy truyền thống đoàn kết, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tạo thế và lực mới đưa Đắk Nông bứt phá, cất cánh trên nền tảng phát triển bền vững.