Xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo của vùng Tây Nguyên

NDO - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, nhất là chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo của vùng Tây Nguyên.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo của vùng Tây Nguyên.

Chiều 23/3, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2022, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục-đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong giai đoạn 2011-2022, quy mô học sinh, các loại hình trường lớp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk đạt được trong những năm qua.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đồng bào dân tộc thiểu số đông, thu ngân sách còn hạn chế… Tuy nhiên, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh phát triển vượt bậc, đạt kết quả khá toàn diện và luôn là tỉnh đứng đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học phổ thông tại 10 tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.

Xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo của vùng Tây Nguyên ảnh 1

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh trong thời gian qua.

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục-đào tạo của vùng Tây Nguyên, trong đó sẽ đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo của vùng Tây Nguyên.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, nhất là chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên có ý nghĩa quyết định.

Tỉnh cần quan tâm sắp xếp lại hệ thống trường, lớp phù hợp, bảo đảm cho các cháu ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt nhất.

Ngoài ra, tỉnh cần có kế hoạch kiên cố hóa hệ thống trường lớp phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh, đồng thời thực hiện tốt hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực trong nhân dân đầu tư cho lĩnh vực giáo dục của tỉnh nhà.

Bộ trưởng cho rằng, Đắk Lắk là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy tỉnh cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục trong vùng dân tộc thiểu số, nhất là tăng cường dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số, có chính sách đặt hàng đào tạo giáo viên cho vùng dân tộc thiểu số.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thống nhất định hướng sẽ sáp nhập Trường cao đẳng sư phạm Đắk Lắk vào Trường đại học Tây Nguyên để Trường đại học Tây Nguyên trở thành trường đại học trọng điểm, mở rộng ngành nghề đào tạo khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội-nhân văn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đội ngũ giảng viên đầu ngành về giảng dạy, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên…

Đến năm học 2021-2022, toàn tỉnh Đắk Lắk có 1.016 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có 330 trường mầm non, 388 trường tiểu học, 239 trường trung học cơ sở và 59 trường trung học phổ thông. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện với 150 lớp học; có 74 trung tâm ngoại ngữ-tin học, 8 trường cao đẳng, 2 trường đại học, 2 phân hiệu đại học… với hơn 50 mã ngành đào tạo.