Gỡ khó cho giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long

Những năm qua, giáo dục vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự phát triển về quy mô mạng lưới trường lớp chất lượng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, do đặc trưng địa bàn sông nước, kênh rạch cho nên giáo dục và đào tạo khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: HỮU CHÍ)
Giờ học tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: HỮU CHÍ)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 10 năm (2011-2021), giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.

Đến năm học 2021-2022, có 10 trong tổng số 13 (tỷ lệ 76,92%) tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Toàn vùng có khoảng 92.912 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố đạt tỷ lệ hơn 81,5%. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng về số lượng và chất lượng.

Đến năm học 2021-2022, có 10 trong tổng số 13 (tỷ lệ 76,92%) tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Các địa phương trong vùng đã triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021-2025; bố trí, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm theo khung năng lực; tiến hành bồi dưỡng các chuyên đề, trong đó tập trung vào các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Đối với giáo dục đại học, từ chỗ chỉ có Trường đại học Cần Thơ, hiện nay toàn vùng đã có 17 trường đại học (trong đó sáu trường đại học ngoài công lập); có 10 tỉnh, thành phố đã có trường đại học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết các chỉ tiêu về giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, do vị trí địa lý của vùng đồng bằng sông Cửu Long có đặc trưng nhiều sông nước, kênh rạch, hệ đất nền yếu, do đó việc đầu tư cơ sở vật chất tốn kém và khó khăn hơn so với các vùng khác trong cả nước. Số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia trong vùng thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.

Việc huy động trẻ đến trường còn đạt thấp, nhất là trẻ đi học mẫu giáo; mạng lưới trường, lớp mầm non phân tán, nhiều điểm trường. Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhất là ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7% đến 13%).

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022. Mặc dù quy mô đào tạo tăng trong 10 năm qua nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu được tiếp cận giáo dục đại học của người dân.

Để giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển, từ thực tiễn địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, cần tập trung rà soát mạng lưới giáo dục, khắc phục tình trạng phân tán, điểm nhỏ, lẻ; bảo đảm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022.

Đáng chú ý, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo dục và đào tạo đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, cần có một số chính sách đặc thù: Tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1 ven sông; phát triển hệ thống trường nghề, chính sách với học nghề... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tham mưu Chính phủ xây dựng đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh, Nguyễn Thị Bạch Vân cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập cần quy định số lượng học sinh tối thiểu và tối đa trên một lớp, tỷ lệ giáo viên trên một lớp thay vì quy định tỷ lệ giáo viên trên số học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu Chính phủ sớm có đề án hoặc chương trình mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực giúp địa phương còn khó khăn bảo đảm cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thực tế tại Trà Vinh, việc thực hiện kiên cố hóa trường học, lớp học, đầu tư mua sắm công cho giáo dục của tỉnh theo kế hoạch đầu tư công, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn địa phương thì không thể đáp ứng nhu cầu.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa trường học, lớp học cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương còn khó khăn để tăng cường đầu tư xây dựng phòng học, phòng thực hành, phòng chức năng, cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị dạy học; xem xét hỗ trợ nguồn vốn hàng năm để đầu tư mua sắm trang thiết bị, bảo đảm triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung vào năm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; tiếp cận giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, những việc cần làm trong thời gian tới ở vùng này là nhóm công việc và giải pháp tổng thể về đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó cấp bách là kiên cố hóa trường lớp, đầu tư trang thiết bị, phòng học bộ môn.

Những việc cần làm trong thời gian tới ở vùng này là nhóm công việc và giải pháp tổng thể về đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó cấp bách là kiên cố hóa trường lớp, đầu tư trang thiết bị, phòng học bộ môn.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường học cần có phương án phù hợp với khu vực địa hình sông nước, chia cắt. Khi xây dựng trường học, cần chọn những mẫu trường học phù hợp với địa hình, hướng đến mô hình gần gũi với thiên nhiên.

Bên cạnh đó, với tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ người chưa được huy động đến trường, tỷ lệ người chưa có nhu cầu đi học còn cao và với tỷ lệ vào đại học thấp thì câu chuyện nhấn mạnh nâng cao dân trí là việc quan trọng, sau đó mới tính đến nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống các trường đại học và tăng tỷ lệ học đại học.

Cũng theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, mỗi tỉnh, thành phố ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy có vấn đề chung nhưng tình hình khác nhau, có địa phương thuận lợi, cũng có địa phương khó khăn cho nên các địa phương tập trung phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành để đề xuất chính sách đầu tư, khắc phục những khó khăn, đưa giáo dục của cả vùng cùng tiến với tốc độ tốt hơn trong giai đoạn tới.