Xây dựng cơ chế ưu đãi và chính sách chuyên biệt cho doanh nghiệp văn hóa-sáng tạo

Các ngành công nghiệp văn hóa-sáng tạo có tiềm năng phát triển, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ văn hóa-sáng tạo. Để có sự phát triển tốt nhất, các cơ quan quản lý cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian nghệ thuật Manzi thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm nghệ thuật.
Không gian nghệ thuật Manzi thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm nghệ thuật.

Những năm gần đây, các ngành công nghiệp văn hóa-sáng tạo đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia. Theo số liệu thống kê của Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2018-2022, ngành này đã thu hút trung bình khoảng 2,9 triệu đến 3,8 triệu lao động, chiếm 7,1% tổng dân số có việc làm của cả nước. Năm 2022, số lượng doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp văn hóa chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước, tương đương khoảng 70.321 cơ sở.

Sức ép đối với nỗ lực của doanh nghiệp

Manzi là không gian nghệ thuật thành lập từ năm 2012 tại Hà Nội. Thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm thị giác, tọa đàm, chiếu phim, giới thiệu sách, trình diễn âm nhạc, múa, thúc đẩy các hoạt động nghệ thuật đương đại và hỗ trợ nghệ sĩ thực hành nghệ thuật, Manzi tự vận hành hoạt động nhờ nguồn thu từ kinh doanh quán cà-phê và bán các tác phẩm nghệ thuật.

Ở góc độ pháp lý, Manzi là một hộ kinh doanh cá thể, phải nộp đầy đủ thuế theo quy định. Tương tự, không gian điện ảnh Ơ kìa Hà Nội của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng không được hưởng ưu đãi về thuế từ hệ thống chính sách hiện hành cho các hoạt động văn hóa. Ơ kìa Hà Nội chuyển địa điểm ba lần do giá thuê mặt bằng tăng.

Nhìn vào thực tế, văn hóa, nghệ thuật không tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, không có bất cứ ưu tiên nào cho hoạt động văn hóa, thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền… các cá nhân, tổ chức làm việc trong lĩnh vực này thường xuyên đối mặt với việc dừng hoạt động, đổi địa điểm hoặc phải chuyển hướng hoạt động online.

Dù hoạt động phi lợi nhuận hay có lợi nhuận, hầu hết các không gian văn hóa sáng tạo muốn thành lập đều phải đăng ký hoạt động kinh doanh. Hoạt động dưới hình thức studio, phòng tranh, thư viện, quán cà-phê; đăng ký kinh doanh dưới mô hình hộ kinh doanh cá thể, công ty TNHH, doanh nghiệp xã hội…, chủ các không gian sáng tạo đều không được hưởng lợi từ thuế hay ưu đãi hay hỗ trợ về chính sách. Điều này tạo thêm nhiều thách thức trong duy trì hoạt động của các doanh nghiệp sáng tạo.

Đồng cảm với khó khăn của các không gian sáng tạo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: Hai, ba năm gần đây, không nhiều không gian sáng tạo đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp xã hội, bởi mô hình này chịu nhiều sức ép về thuế, về báo cáo tài chính và tình hình hoạt động với địa phương.

Bà Phạm Quỳnh Hương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, cần đưa ra một mô hình kinh doanh văn hóa được hưởng ưu đãi riêng biệt về thuế để các không gian văn hóa-sáng tạo có thể đăng ký. Có thể thấy, để "kinh doanh" văn hóa thuận lợi, một mình doanh nghiệp nỗ lực là không đủ.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Hoàng nhìn nhận: Một trong các giải pháp quan trọng là xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, miễn giảm phí phù hợp với thực tiễn và khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, cụ thể là xây dựng cơ chế, chính sách giải pháp về đất, tín dụng, thuế, phí… đối với các cơ sở đào tạo, thiết kế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt khu vực khó khăn.

Xây dựng cơ chế ưu đãi và chính sách chuyên biệt cho doanh nghiệp văn hóa-sáng tạo ảnh 1
Một góc Không gian nghệ thuật VCCA nổi tiếng tại Hà Nội.

Cần hỗ trợ, ưu đãi về thuế, có chính sách chuyên biệt

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong chiến lược này, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Vấn đề này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, cụ thể là cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng đề ra nhiều giải pháp và định hướng để chấn hưng và phát triển văn hóa.

Năm 2022, Quốc hội tổ chức hội thảo văn hóa với chủ đề về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Có thể thấy, vấn đề xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho ngành văn hóa đang được quan tâm đặc biệt.

Về pháp lý, lĩnh vực văn hóa được hưởng một số ưu đãi hiện hành, nằm trong các luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Thuế giá trị gia tăng, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Luật Điện ảnh 2022…

Luật Điện ảnh 2022 quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật hoặc Nhà nước ưu tiên đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo, ngành đào tạo về điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật đào tạo chuyên ngành hoặc liên kết đào tạo điện ảnh ở trong nước và nước ngoài. Trong luật này cũng xây dựng nội dung quản lý nhà nước đối với phổ biến, phát hành phim trên không gian mạng, tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh này thuận lợi.

Bên cạnh đó, các ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, hỗ trợ phát triển nhân lực, công nghệ được áp dụng. Trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa quy định, có chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu theo quy định của pháp luật về thuế…

Các ưu đãi về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện đầu tư kinh doanh trong các dịch vụ văn hóa… giúp doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa tiết kiệm thời gian và nguồn lực, tăng năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, luật quy định chung là vậy. Để cụ thể hóa ưu đãi của tài chính, thuế, đầu tư sang lĩnh vực văn hóa, thì chưa có khung pháp lý đặc thù. Ông Đỗ Quang Minh, chuyên viên Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, ưu đãi, hỗ trợ như thế nào, giảm thuế ra sao, chúng ta chưa cụ thể ra được đối với lĩnh vực văn hóa. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa rất nhiều, quy định được ưu đãi hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ về thuế, kế toán, hỗ trợ về công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn pháp lý… nhưng những nội dung này nằm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Ngành văn hoá chưa có quy định cụ thể áp dụng. Vì vậy, khả năng tiếp cận các chính sách ưu đãi này của doanh nghiệp và cá nhân còn hạn chế và khó khăn. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa là lĩnh vực mang tính liên ngành, hiện nay đang chồng chéo về quản lý nhà nước giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương… Một thách thức khác trong xây dựng chính sách hỗ trợ về văn hóa là thiếu sự tương tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Để thúc đẩy, tạo đà bứt phá cho các ngành công nghiệp văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa.

Thời gian tới, các luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt… được nghiên cứu sửa đổi; Luật Di sản văn hóa cũng được sửa đổi, bổ sung, Luật Nghệ thuật biểu diễn được ban hành sẽ là cơ hội đưa các cơ chế, chính sách ưu đãi văn hóa vào. Đây cũng là cơ hội để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia đóng góp, đề xuất, sửa đổi luật để hiện thực hóa các ưu đãi trong Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa.

Trong bối cảnh các luật hiện hành chưa được sửa đổi, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng nghị quyết đặc thù nhằm thúc đẩy tháo gỡ, vướng mắc phát triển văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Nếu được Quốc hội thông qua, chính sách mang tính đặc thù này sẽ là giải pháp tạm thời gỡ khó cho lĩnh vực văn hóa, là bước thí điểm giải quyết một số vấn đề cấp bách, mang tính chất điểm nghẽn về chính sách.

Cùng đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ văn hóa cần được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn sôi động của môi trường văn hóa, thay thế các quy định và hình thức quản lý truyền thống không còn phù hợp với các nội dung mới như kinh doanh trên môi trường số, trí tuệ nhân tạo, kinh doanh nội dung sáng tạo số, xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra nước ngoài... Sự tương đồng về chính sách quản lý nhà nước đến cơ chế ưu đãi, chuyên biệt sẽ góp phần tạo đà cho các lĩnh vực văn hóa trở mình và phát triển.