Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

NDO - Sáng 19/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực xây dựng Đảng...

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Cán bộ đảng viên phải có trách nhiệm nêu gương đạo đức cách mạng, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là đạo đức thủ cựu mà là đạo đức mới. Đó là những phẩm chất quý báu của người cộng sản, người đảng viên chân chính tận trung với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nhân, nghĩa, trí, tín, dũng; đoàn kết, thống nhất, thân ái, giúp đỡ đồng chí, đồng bào; trung thực, thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm; và có tinh thần quốc tế trong sáng.

Đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có mà là kết quả của quá trình phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện không ngừng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, “xây” đi đôi với “chống” là vấn đề có tính quy luật, là một nguyên tắc cơ bản trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân giao phó.

Xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên là nội dung trọng tâm của xây dựng Đảng về đạo đức. Trải qua quá trình liên tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của chúng ta đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, là những tấm gương cao đẹp, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống; nêu cao, tinh thần yêu nước, hăng hái đi đầu trong lao động sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu, cống hiến tâm huyết, sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nhiều người trong số đó đã hy sinh cả cuộc đời mình vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo.

Đội ngũ ấy đã trở thành những người con ưu tú của dân tộc, là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lý tưởng và văn hóa cao đẹp của Đảng; mang lại hiệu ứng lan toả to lớn, động viên, thuyết phục, giáo dục, lôi cuốn quần chúng nhân dân tin tưởng, đi theo Đảng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật rằng: vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn cho thấy, khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị; và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.

Theo GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường; các thế lực xấu, thù địch, phản động lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để đẩy mạnh bôi xấu, xuyên tạc, tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, chúng ta càng ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới.

Gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương quyết sách rất quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tình trạng tham nhũng, tiêu cực lãng phí, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định xây dựng Đảng về đạo đức là một trong bốn nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng toàn diện, đồng bộ cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định mới để đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó, tập trung vào phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Đảng ta đã có những chủ trương, quyết sách rất quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nêu một số vấn đề có tính định hướng, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu, nhà khoa học, thảo luận một số vấn đề cụ thể, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, những yêu cầu cấp bách của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; tiếp tục làm rõ các nhân tố tác động mới, các yêu cầu mới tác động đến đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, tập trung góp ý, đề xuất bổ sung, góp phần hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên sao cho sát hợp với thực tiễn mới.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp triển khai thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiệu quả, khả thi và có tác động lan toả tích cực rộng lớn trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, trong đó cần lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức người cách mạng là nền tảng tư tưởng, cơ sở thế giới quan và phương pháp luận để xây dựng.

Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất các định hướng, giải pháp xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.