Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội

Ngày 16/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và kêu gọi người dân, doanh nghiệp, người lao động chung sức, đồng tâm, hiệp lực tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vượt qua thách thức, bảo đảm việc làm, thu nhập và tập trung chăm lo đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân vận hành máy cắt thủy lực tại xưởng đóng tàu thủy, Nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
Công nhân vận hành máy cắt thủy lực tại xưởng đóng tàu thủy, Nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng). (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Hậu Covid-19, thị trường lao động bị tác động nặng nề, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường đã phục hồi trong năm 2022. Trong bối cảnh đó, vấn đề phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả bền vững được đặt ra.

Thị trường lao động đang bộc lộ những hạn chế

Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường lao động Việt Nam đã bị tác động nặng nề. Có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, với hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực, như: mất việc làm; phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập… Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã dần phục hồi trong năm 2022 và có những cải thiện tích cực so với năm 2021.

Số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước: Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người (tăng 1,5 triệu người). Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35% (giảm 0,64%); tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2022 là 2,29% (giảm 0,77%); tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,75% và 2,63%)…

Tuy nhiên, thị trường lao động đã bộc lộ những vấn đề bất cập: Chất lượng cung cấp lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp (năm 2021, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%); chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Đồng thời, nhu cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp nguyện vọng của người lao động. Theo thống kê, tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 50,5 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,6%); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,9 triệu người (chiếm 33,4%); khu vực dịch vụ 19,7 triệu người (chiếm 39,0%). Trong đó, gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 67,5% tổng số lao động có việc làm.

Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.

Hiện nay, một số ngành đang cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động,… do giảm đơn hàng, đặc biệt là những mặt hàng có thị trường xuất khẩu ở châu Âu như dệt may, da giày; điện, điện tử; một số doanh nghiệp thuộc ngành gỗ;… số lao động bị cắt giảm chủ yếu là lao động phổ thông. Điều này cho thấy, khi có biến động về dịch bệnh hay suy thoái kinh tế thì lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngoài ra, phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối. Năng lực cán bộ là khâu yếu nhất của quản trị thị trường lao động, thiếu các chuyên gia và đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để dự báo, phân tích xu thế và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động có hiệu quả.

Giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17/12 vừa qua, chia sẻ thông tin tại Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023”, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng: “Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những cơ hội đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức”.

Để phát triển thị trường lao động bền vững, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ để trình Chính phủ ban hành nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.

Theo đó các nhiệm vụ, giải pháp sẽ tập trung vào một số vấn đề trọng tâm: Đó là hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; phục hồi và ổn định thị trường lao động với hàng loạt giải pháp; tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các cơ sở đào tạo; thiết lập mạng lưới thông tin của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về để thu hút vào làm việc cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động...

Trong Công điện số 1170/CĐ-TTg, để bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu và đề nghị: Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp các địa phương chủ động, thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp...

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp ngành lao động-thương binh và xã hội nắm tình hình lao động, việc làm, lương, thưởng, đời sống người lao động, việc đi lại của người lao động trong dịp Tết để có các phương án cơ cấu lại lực lượng lao động những nơi thừa, thiếu cục bộ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.