Xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập

NDO - Việc xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, thể hiện hình ảnh Quốc hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với quá trình đổi mới đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Bộ nhận diện Quốc hội trong phiên họp sáng 12/10.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Bộ nhận diện Quốc hội trong phiên họp sáng 12/10.

Sáng 12/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị

Trình bày Tờ trình về Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trải qua gần 77 năm hình thành và phát triển, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, hoàn thành sứ mệnh là cầu nối để nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, là diễn đàn chính trị quan trọng để ý chí của nhân dân trở thành ý chí của Nhà nước.

Từ khi Quốc hội được thành lập đến nay, biểu trưng, hình ảnh riêng, chính thức về Quốc hội Việt Nam chưa từng được công bố, mà Quốc hội chủ yếu sử dụng các hình ảnh Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, biểu trưng Nhà Quốc hội… để gắn với hoạt động, sự kiện của Quốc hội.

Xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các hình ảnh, biểu trưng còn chưa đồng bộ, nhiều sản phẩm chưa thể hiện đúng quy chuẩn, quy định của cơ quan nhà nước, chưa phản ánh sâu sắc và rõ nét tính đặc trưng của Quốc hội, đã phần nào ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp, hiện đại của Quốc hội cũng như sự đổi mới về hình ảnh và hoạt động của Quốc hội trong hệ thống chính trị và trong tình hình mới.

Việc sớm ban hành Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam và hoàn thành thủ tục đăng ký bản quyền logo, Bộ nhận diện là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị; truyền tải thông điệp gần gũi, thân thiện với cử tri, nhân dân và bạn bè quốc tế của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam được xây dựng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ về việc sử dụng hình ảnh Quốc hội Việt Nam thuộc phạm vi trong và ngoài Quốc hội, nhất là hoạt động đối ngoại của Quốc hội; xây dựng hình ảnh Quốc hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với quá trình đổi mới đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế; truyền tải thông điệp, tạo sự gắn bó mật thiết giữa người dân với Quốc hội; tuyên truyền hình ảnh Quốc hội Việt Nam đến cử tri, nhân dân cả nước ấn tượng, gần gũi, dễ hiểu.

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam cần bảo đảm tính chính trị, pháp lý và phù hợp với chủ trương chung trong công tác thông tin, tuyên truyền về Quốc hội; phù hợp với các quy chuẩn trong việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ…

Bảo đảm tính trang trọng, thẩm mỹ, thể hiện được tinh thần hội nhập của Quốc hội Việt Nam

Tham gia thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam với những lý do như đã nêu trong Tờ trình; đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng công phu, kỹ lưỡng của Văn phòng Quốc hội, đặc biệt là việc chủ động tham vấn chuyên gia các lĩnh vực thiết kế, văn hóa, truyền thông trong quá trình xây dựng Bộ nhận diện.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng việc lựa chọn hình ảnh tòa nhà Quốc hội làm chi tiết chủ đạo trong logo là rất phù hợp, do Nhà Quốc hội là tòa nhà đặc biệt được thiết kế, xây dựng một cách công phu, thể hiện các yếu tố truyền thống cũng như hiện đại, với những nét đẹp, biểu tượng cho sức mạnh của nhân dân, xứng đáng làm hình ảnh đại diện cho cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị trong thiết kế nên dùng hình ảnh Nhà Quốc hội với cửa mở để biểu thị tinh thần cởi mở, hội nhập của Quốc hội Việt Nam đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc xây dựng Bộ nhận diện là một bước tiến trong đổi mới, phát triển Quốc hội hoạt động chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp.

Đánh giá cao cơ quan chủ trì nghiên cứu đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội bảo đảm quy trình thủ tục pháp lý trong xây dựng Bộ nhận diện, bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, rõ trách nhiệm.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng biểu tượng cho Quốc hội phải thể hiện rõ kết cấu, độ sâu, tầm vóc to lớn và cấu trúc uy nghiêm của tòa Nhà Quốc hội. Bên cạnh đó, hình ảnh Quốc huy sử dụng trong biểu tượng cần có kích cỡ to để nhìn thấy rõ ràng, bảo đảm tính trang trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành phương án sử dụng màu đỏ và vàng giống màu cờ Tổ quốc cho biểu tượng này.

Xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập ảnh 3

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Văn phòng Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam. Hầu hết các ý kiến bày tỏ sự tán thành cao về sự cần thiết ban hành Bộ nhận diện này, để chính thức sử dụng với tất cả các hoạt động, sự kiện liên quan đến Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội khẩn trương tiếp thu các ý kiến phát biểu, nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam trình Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi ban hành quyết định về việc xác nhận logo và Bộ nhận diện Quốc hội Việt Nam.