Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra

NDO - Báo cáo của Chính phủ cho biết, tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10.
Quang cảnh Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10.

Sáng 11/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương…

Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu

Báo cáo nêu rõ, năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội so với kế hoạch Quốc hội giao, trong đó vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Chính phủ kịp thời ban hành, tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (năm 2022-2023), bám sát quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong rất thấp so với các nước (theo xếp hạng tháng 8/2022 của của tổ chức Nikkei Asia, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch), tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận sáng 11/10.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch, được các tổ chức quốc tế có uy tín đồng thuận đánh giá cao. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng; nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân tiếp tục được ban hành và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển nhiều thị trường quan trọng như vốn, lao động, bất động sản… Đồng thời, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước; đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Báo cáo đã nêu 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19; dự báo, theo dõi chặt chẽ, diễn biến chính sách của các nước lớn, là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; có giải pháp về nguồn hàng, điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống, nhất là các mặt hàng thiết yếu, điện, xăng, dầu.

Các nhiệm vụ và giải pháp còn có thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Báo cáo nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Báo cáo đồng thời nhấn mạnh, phải quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra ảnh 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các đại biểu dự phiên họp.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo nêu 15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho năm 2023, trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...

Làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5%

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%, đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.

Những thành tựu này đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra ảnh 3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là tới tiềm lực dự trữ ngoại hối và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác. Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ nguyên nhân của nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng gia tăng…

Về các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, đề nghị làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5%. Đồng thời xem xét, đánh giá kỹ việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước; tính khả thi của chỉ tiêu số bác sỹ và số giường bệnh trên 1 vạn dân; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị.

Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%, đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể:

Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế. Nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất (2%).

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới để có kịch bản, phương án ứng phó kịp thời. Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế nhằm chấm dứt tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, tăng cường môi trường thuận lợi và bảo đảm an toàn trong không gian mạng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon… Đồng thời, đánh giá tổng thể về lợi ích đạt được và chi phí mà nền kinh tế phải bỏ ra để xây dựng lộ trình thực hiện cam kết COP26 phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam.