Tập trung kiện toàn đội ngũ
Theo Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019-2021, cả nước giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.
Tuy nhiên, việc thực hiện sắp xếp chủ yếu tập trung vào việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới nhằm mục đích giảm số lượng ÐVHC, chưa thật sự tính đến chất lượng ÐVHC, nhất là đối với các ÐVHC đô thị sau sắp xếp, cho nên bộ máy nhiều nơi hoạt động chưa nhịp nhàng, trơn tru, thiếu hiệu quả.
Theo Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019-2021, cả nước giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.
Bộ Nội vụ thừa nhận, số lượng cán bộ, công chức cấp xã giữa các ÐVHC chỉ chênh nhau vài người, nhưng quy mô dân số lại chênh lệch quá lớn, là một bất cập. Ðơn cử, cùng là ÐVHC đô thị, nhưng phường Long Bình, thành phố Biên Hòa (Ðồng Nai) có số dân gần 131 nghìn người, trong khi phường Sông Ðà, thị xã Mường Lay (Ðiện Biên) có số dân chỉ hơn 1.000 người; hay một xã của huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) có số dân gần 130 nghìn người, nhưng một xã của tỉnh Lạng Sơn có số dân chỉ 400 người…
Nhiều ÐVHC cấp xã sau sáp nhập địa bàn rộng, dân số tăng, dẫn đến khối lượng công việc tăng lên, tạo áp lực lớn đối với đội ngũ công chức cấp xã. Trong khi đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định số lượng phó chủ tịch UBND ở cấp xã loại II tăng thêm một người nhưng không tăng tổng số lượng cán bộ, công chức ở cấp xã, dẫn đến bất hợp lý khi bổ sung một phó chủ tịch UBND thì phải giảm tương ứng một công chức để bảo đảm không tăng tổng số lượng theo quy định.
Công chức địa chính-tài nguyên-môi trường thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) Trần Ðình Nam cho biết: Sau sáp nhập xã Cẩm Huy vào thị trấn Cẩm Xuyên, số dân tăng lên gần 17 nghìn nhân khẩu, lượng hồ sơ tôi giải quyết hằng tháng tăng nhiều, lên tới 30 bộ hồ sơ, trong khi chỉ có một chức danh công chức xã cho lĩnh vực này.
Hằng ngày, tôi còn phải trực ở Trung tâm một cửa của xã để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, vận động người dân, tham gia giải phóng mặt bằng, thu thuế… Trường hợp phải giải quyết một vụ tranh chấp đất đai đã có thể mất cả tuần cho việc kiểm tra thực địa, chưa kể liên tục phải tiếp nhận đơn thư khiếu nại... Nhiều đêm tôi mất ngủ vì sợ làm sai; sau sáp nhập, nhiều cán bộ, công chức trong xã không có ngày phép, ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật vì áp lực công việc quá lớn" - Anh Nam cho biết và kiến nghị thêm, với những xã có quy mô dân số lớn, một số vị trí việc làm cần được bổ sung thêm người để giảm tải cho đội ngũ hiện nay.
Sau sáp nhập, số lượng chi bộ cũng như đảng viên tại nhiều xã tăng cao, lượng hồ sơ, giấy tờ phải cập nhập, triển khai rất lớn, nhưng không có chức danh công chức riêng của Văn phòng Ðảng ủy, mà do một chức danh công chức khác kiêm nhiệm, rất dễ xảy ra sai sót nhưng phụ cấp kiêm nhiệm chưa cụ thể, khó áp dụng.
Tại thị trấn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), sau sáp nhập, số lượng đảng viên lên tới hơn 1.100 người. Chỉ riêng việc bổ sung lý lịch đảng viên hằng năm đã tạo ra khối lượng công việc rất lớn cho người làm công tác đảng. Việc tổ chức sinh hoạt đảng cũng phải chia làm ca, chia kíp vì không hội trường nào của thị trấn có đủ chỗ.
Thời gian tới, các cơ quan của Ðảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở ÐVHC mới sẽ được kiện toàn tổ chức trước khi diễn ra Ðại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
ÐVHC cấp huyện, cấp xã mới đều phải bầu đủ số lượng đại biểu HÐND các cấp, bầu UBND cùng cấp theo cơ cấu và số lượng quy định. Các đồng chí lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình trăn trở: Từ khi có chủ trương sắp xếp ÐVHC giai đoạn 2019-2021, đã tạm dừng bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và không tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của những ÐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Theo đó, đến năm 2030 (năm cuối hoàn thành sắp xếp ÐVHC), do thời gian dài không có tuyển dụng mới, cho nên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không được trẻ hóa thường xuyên, dẫn đến tình trạng trong cơ quan, đơn vị sẽ thiếu hụt người làm việc ở một độ tuổi nhất định, nếu không có kế hoạch, lộ trình bù đắp, khắc phục từ sớm thì sau này có thể sẽ tạo ra sự thiếu hụt đội ngũ kế cận có chuyên môn tốt, có quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm phù hợp.
Trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, thời gian tới, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi ban hành chủ trương sắp xếp ÐVHC cần quan tâm quy định về số lượng cán bộ, công chức ở ÐVHC cấp xã sau sắp xếp phù hợp thực tiễn theo hướng nếu quy mô dân số vượt tiêu chuẩn thì được xem xét để tăng thêm số lượng công chức cấp xã theo quy định; nghiên cứu liên thông giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh để thực hiện nền hành chính và chế độ công vụ thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng, trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã với nhân dân.
Hơn nữa, theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, trên cơ sở tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 được Bộ Chính trị giao, đề nghị Chính phủ tăng cường phân cấp cho địa phương, cho phép thực hiện cơ chế khoán biên chế để địa phương chủ động phân bổ, điều phối, sắp xếp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của từng địa bàn, lĩnh vực quản lý trong từng thời điểm, thời kỳ thay vì quy định cứng định mức biên chế tối đa của mỗi ÐVHC như hiện nay.
Hoàn thiện thể chế, chính sách cho lộ trình mới
Trong quá trình sáp nhập ÐVHC giai đoạn 2019-2021, nhiều cán bộ làm công tác tổ chức các cấp cho rằng, các địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi xây dựng phương án và triển khai thực hiện, do nội dung một số văn bản hướng dẫn chậm ban hành hoặc chưa thật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp, chưa thống nhất với nội dung, giải pháp về sắp xếp ÐVHC của Trung ương, đặc biệt là các nội dung hướng dẫn liên quan các cơ chế chính sách đặc thù cho các ÐVHC; việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với người dôi dư; việc triển khai thực hiện thanh lý tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các trụ sở dôi dư; việc nhập các trạm y tế cấp xã, trường học, việc giải quyết thủ tục hành chính...
Nhiều địa phương phản ánh: Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định tiêu chuẩn của ÐVHC cao hơn mức bình quân chung của từng loại ÐVHC trong cả nước, nhưng chưa tính hết các yếu tố đặc thù vùng, miền, phong tục, tập quán, lối sống cộng đồng dân cư… của các ÐVHC; chưa tính đầy đủ thực tiễn có độ chênh lệch, giãn cách rất lớn của tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của ÐVHC cùng cấp.
Thí dụ, đối với huyện miền núi, vùng cao: Diện tích nhỏ nhất là 98,35km2 (Lâm Thao, Phú Thọ) và lớn nhất là 2.811km2 (Tương Dương, Nghệ An); số dân thấp nhất là 15.533 người (H’Drai, Kon Tum) và nhiều nhất là 326.135 người (Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Ðối với huyện đồng bằng, trung du: Diện tích nhỏ nhất là 63,49km2 (Thanh Trì, thành phố Hà Nội) và lớn nhất là 2.121,6km2 (Bố Trạch, Quảng Bình), số dân thấp nhất là 22.353 người (Tân Phú Ðông, Tiền Giang) và nhiều nhất là 744.238 người (Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh). Ðối với xã miền núi, trung du: Diện tích nhỏ nhất là 2,6km2 (Bồ Sao, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và lớn nhất là 1.114,29km2 (Krông Na, Buôn Ðôn, Ðắk Lắk), số dân thấp nhất là 163 người (Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình) và nhiều nhất là 108.546 người (Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)...
Mặt khác, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định các ÐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp phải đạt ngay các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211, cho nên đã phát sinh bất cập sau sắp xếp vẫn còn nhiều ÐVHC chưa đạt đủ cả hai tiêu chuẩn.
Nghị quyết số 653 cũng được xây dựng nhằm triển khai ngay các chủ trương mới của Ðảng về tổ chức ÐVHC, nhưng thực tế các ÐVHC được hình thành qua nhiều thời kỳ, tổ chức theo các quy hoạch đã được phê duyệt trong thời gian dài, do đó một số nội dung của Nghị quyết chưa thật sự được đánh giá tác động kỹ lưỡng, cần thời gian để kiểm nghiệm.
Việc sắp xếp các ÐVHC là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, các địa phương phải thảo luận nhiều lần và cân nhắc kỹ nhiều mặt khi xây dựng các phương án nhưng thời gian để thực hiện rất hạn chế (khoảng một năm); đặc biệt là việc thực hiện gần với thời điểm các địa phương chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là ở cấp xã, dẫn đến không có đủ thời gian để thực hiện khảo sát thực tế các đề án của địa phương.
Một tâm tư chung của các cán bộ ngành nội vụ từ tỉnh đến huyện tại Hà Tĩnh, Hòa Bình và một số địa phương khác hiện nay là dù rất quyết tâm thực hiện ÐVHC nhưng với thực trạng, khó khăn đang đặt ra hiện nay, họ e rằng sẽ không thể tiếp tục thực hiện tốt việc sáp nhập trong giai đoạn tiếp theo.
Trong quá trình xây dựng cũng như thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy banThường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp các ÐVHC giai đoạn 2019-2021, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, các địa phương cần tập trung nghiên cứu thực tế, dự báo được những khó khăn, bất cập, hạn chế để đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời. Khi góp ý các dự thảo nghị quyết, các bộ, cơ quan Trung ương cần rà soát kỹ các vấn đề liên quan việc hưởng các chính sách ưu đãi, đặc thù tại các ÐVHC cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trước khi sắp xếp, vì vậy các địa phương gặp nhiều khó khăn khi tổ chức thực hiện các chính sách này.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết chưa được tiến hành để kịp thời phát hiện tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long: Ðảng bộ, chính quyền các địa phương cùng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác sáp nhập ÐVHC của tỉnh đều thể hiện quyết tâm thực hiện thật tốt các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Chính phủ cho dù hiện tại đang phải tập trung giải quyết nhiều thách thức đặt ra. Ðể việc sắp xếp ÐVHC thật sự hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng được thực tiễn thì chính quyền các cấp, các sở, ngành cần bám sát cơ sở, phân tích những khó khăn, bất cập thực tế, đồng thời lắng nghe ý kiến, tâm tư của người dân để từ đó tham mưu, đề xuất những giải pháp cụ thể.
Những bất cập, hạn chế giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, chính sách và quy định pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung gây lúng túng trong quá trình thực hiện, kết quả, hiệu quả chưa như mong muốn. Ðây là những vấn đề cần nhận diện rõ, rút kinh nghiệm sâu sắc để bảo đảm triển khai tốt hơn cho công tác sắp xếp ÐVHC cấp huyện, cấp xã theo lộ trình 2023-2030.
----------------
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8/5, 9/5/2023.
Ðến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với ÐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ÐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ÐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định. Như vậy, giai đoạn 2023-2025, có 52 ÐVHC cấp huyện và 1.037 ÐVHC cấp xã thuộc diện phải sáp nhập.
Nguồn: Bộ Nội vụ