Giai đoạn 2019-2021, kết quả sắp xếp ÐVHC đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương. Từ tiền đề đó, nhiều nơi có điều kiện huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế để từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Hội tụ nguồn lực
Là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện chủ trương sắp xếp ÐVHC, cả hệ thống chính trị tại Hà Tĩnh luôn quán triệt quan điểm xuyên suốt đây là cơ hội mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, tỉnh chủ động xây dựng phương án, lộ trình, tổ chức thực hiện, có cách làm khoa học và chặt chẽ, thận trọng, chắc chắn, không chủ quan, không nóng vội, phù hợp thực tiễn.
Ðồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu yêu cầu: Nơi đã rõ các tiêu chí, có điều kiện thuận lợi thì làm trước, dứt điểm; nơi nào chưa bảo đảm quy định, chưa "chín" thì tiếp tục nghiên cứu sắp xếp vào thời điểm thích hợp. Các địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện sắp xếp bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, không gây xáo trộn lớn, không để lại hệ lụy. Ðặc biệt, các xã sau sáp nhập phải phù hợp quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển của địa phương, tầm nhìn dài hạn, có khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm đầu tư công, từ đó tạo tiền đề quy hoạch phát triển kinh tế vùng.
Các địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện sắp xếp bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, không gây xáo trộn lớn, không để lại hệ lụy. Ðặc biệt, các xã sau sáp nhập phải phù hợp quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển của địa phương, tầm nhìn dài hạn, có khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm đầu tư công, từ đó tạo tiền đề quy hoạch phát triển kinh tế vùng.
Ðồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh
Với quan điểm đó, Hà Tĩnh đã triển khai bài bản các bước: Rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số và xây dựng phương án tổng thể; xin ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, lấy ý kiến của Bộ Nội vụ. Căn cứ ý kiến của Bộ Nội vụ, tỉnh xây dựng đề án sắp xếp, thực hiện các quy trình, thủ tục lấy ý kiến cử tri (kết quả việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp ÐVHC cấp xã đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân với tỷ lệ rất cao, bình quân đạt 96,91%) và trình HÐND các cấp thông qua. Cuối cùng, hoàn thiện đề án gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngày 1/1/2020, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được thành lập trên cơ sở sáp nhập diện tích tự nhiên và dân số của các xã Cẩm Nam, Cẩm Phúc và Cẩm Thăng. Từ các xã còn nhiều khó khăn, qua hơn hai năm sáp nhập, cho dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng chủ trương hội tụ nguồn lực có vai trò dẫn dắt để hình thành một số mô hình kinh tế lớn hơn đã hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hữu Hương phấn khởi cho biết: Sản xuất, kinh doanh của địa phương được phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh và lũ lụt. Sản xuất lúa đạt năng suất, sản lượng khá cao, từ 58-60tạ/ha; thu nhập bình quân đầu người cao hơn trước, đạt 42 triệu đồng/năm. Lĩnh vực quản lý tài nguyên-môi trường được chú trọng, giải quyết triệt để tồn đọng hồ sơ đất đai, góp phần thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra; nhiều dự án được triển khai thi công trên địa bàn đã làm thay đổi diện mạo toàn xã. Vừa qua, Nam Phúc Thăng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các thôn 2A, 7A, Tiến Hưng, Nam Yên được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại thành phố Cần Thơ, phường Tân An (quận Ninh Kiều) được thành lập ngày 1/4/2020, trên cơ sở sáp nhập ba ÐVHC, có diện tích 1,37km2, 165 tổ nhân dân tự quản, dân số 23.016 người. Quá trình sắp xếp, Tân An có lợi thế về mặt vị trí địa lý khi cả ba phường trước khi sáp nhập đều liền kề, nằm ngay vị trí trung tâm hành chính trên địa bàn quận, tương quan về nếp sống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị làm việc bảo đảm yêu cầu hoạt động, hạ tầng kỹ thuật đô thị cơ bản đã được đầu tư phát triển tương đối hoàn chỉnh.
Phó Chủ tịch UBND phường Tân An Nguyễn Y Mơ cho biết: Sau sáp nhập, Tân An được xác định có vai trò dẫn dắt, cho nên được quan tâm, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp, xây dựng cơ bản tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chất lượng các hoạt động dịch vụ được nâng lên, mở ra nhiều loại hình dịch vụ mới, phát huy vai trò phường trung tâm của quận trung tâm thành phố, tạo sự lan tỏa đối với các ÐVHC cùng cấp liền kề phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, hình thành liên kết vùng. Ðến nay, Tân An có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, tăng thu ngân sách, tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, chất lượng đời sống của người dân không ngừng tăng lên.
Lãng phí tài sản công
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại nhiều địa phương, công việc quan trọng nêu trên đang gặp những vướng mắc, bất cập khác nhau. Trong đó, do thời gian xây dựng đề án sắp xếp ÐVHC giai đoạn 2019-2021 ngắn, dẫn đến một số nội dung chưa được rà soát, đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng, chưa tham khảo đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động. Thậm chí, có những nội dung chưa được cơ quan Trung ương khảo sát thực tế trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho nên thiếu định hướng phát triển ổn định, lâu dài.
Một trong những thực trạng phổ biến mà chúng tôi nhận thấy ở nhiều địa phương là việc lãng phí tài sản công. Hiện nay, diện tích đất dôi dư chưa xử lý được của cả nước là gần 1,39 triệu m2, diện tích nhà là gần 375 nghìn m2. Nhiều địa phương còn tồn đọng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Ðịnh...
Dẫn chúng tôi đến tận nơi chứng kiến một số công trình như trường học, trụ sở làm việc... bị bỏ hoang phế gần hai năm nay, cán bộ các địa phương ở Hà Tĩnh, Hòa Bình cho biết, rất băn khoăn trước thực trạng này. Hòa Bình hiện có 23 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 64.480,3m2 đất và 20.616,1m2 sàn xây dựng nhà dôi dư, không có nhu cầu sử dụng được phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; có 24 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 96.039,7m2 đất và 17.381,8m2 sàn xây dựng nhà đang tiếp tục rà soát, lập phương án và đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định. Hà Tĩnh còn 46 trụ sở hành chính, hội trường và các công trình phụ trợ khác trong tình trạng dư thừa, không sử dụng.
Tuy nhiên, tại các địa phương nêu trên, cũng như thực tế tại nhiều nơi trong cả nước, việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng hoặc tổ chức thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công dôi dư đang rất vướng mắc, do có vị trí hầu hết nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội kém phát triển, giá trị giảm vì không còn thuộc khu vực trung tâm hành chính, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ cho nên không phù hợp mục đích các đối tượng có nhu cầu, khó tìm được người tham gia đấu giá.
Mặt khác, việc xác định giá đất cụ thể trước khi xác định giá khởi điểm bán đấu giá rất khó khăn, phức tạp, các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Ðất đai chưa đồng bộ, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa thật sự cụ thể. Trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá theo Nghị định số 167/2017/NÐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 67/2021/NÐ-CP ngày 15/7/2021) yêu cầu phải qua nhiều bước, liên quan nhiều cơ quan, đơn vị cho nên thời gian thực hiện thường kéo dài, gây tốn kém chi phí bảo quản tài sản. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện đưa ra đấu giá cũng gặp khó vì cần điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) Nguyễn Ngọc Hà nêu thực tế, nhà đầu tư không mặn mà với việc tham gia đấu giá tài sản công là nhà đất công dôi dư, do tài sản không xử lý được theo hình thức chia lô, bán nền riêng lẻ mà phải đấu giá cả mặt bằng, khi đó thì tài sản trên đất cơ bản sẽ phải phá bỏ sau khi nhà đầu tư trúng đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư vẫn phải trả chi phí cho phần giá trị tài sản công trúng đấu giá mà không sử dụng được. Mặt khác, giá khởi điểm để đấu giá đối với các dự án sử dụng đất đang có tài sản công trên đất bao gồm cả giá trị tài sản công thường cao trong khi phần giá trị tài sản công không mang lại hiệu quả kinh tế dẫn đến khó thu hút nhà đầu tư.
Nhà đầu tư không mặn mà với việc tham gia đấu giá tài sản công là nhà đất công dôi dư, do tài sản không xử lý được theo hình thức chia lô, bán nền riêng lẻ mà phải đấu giá cả mặt bằng, khi đó thì tài sản trên đất cơ bản sẽ phải phá bỏ sau khi nhà đầu tư trúng đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư vẫn phải trả chi phí cho phần giá trị tài sản công trúng đấu giá mà không sử dụng được.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) Nguyễn Ngọc Hà
Ðối với việc xử lý tài sản trên đất do Nhà nước giao quản lý, sử dụng nằm xen kẹt trong diện tích đất đã giao cho các nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất như nhà văn hóa, trạm y tế... thì không có hình thức thanh lý tài sản trên đất. Ðây là vướng mắc cần được Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn, bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, tránh gây lãng phí tài sản.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng nêu trên còn do một số địa phương chưa thật chủ động trong kiến nghị, đề xuất phương án xử lý tài sản sau sáp nhập. Có nơi ngần ngại trong việc thanh lý, bán đấu giá trụ sở vì chưa tính toán được nhu cầu sử dụng công sở trên địa bàn trong giai đoạn sau này; lo ngại rằng nếu thanh lý rồi thì khi có yêu cầu mới về trụ sở lại không đủ khả năng, nguồn lực để mua lại hay bố trí được địa điểm mới có điều kiện tương đương. Quy trình xử lý nhà, đất, trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn địa phương cũng phức tạp, chưa giao quyền chủ động cho địa phương vì thế việc sắp xếp, xử lý còn chậm, chưa đồng bộ, thống nhất và thiếu hiệu quả.
Trong khi chưa tìm ra lời giải bài toán tài sản công dôi dư, thì tại nhiều địa phương trong cả nước lại xảy ra tình trạng lãng phí. Nhiều xã sau khi sáp nhập, trụ sở dôi dư bỏ hoang mà không chuyển đổi được công năng, trong khi xã khác phải duy trì quản lý, vận hành sử dụng các trụ sở cũ, chi phí hành chính không giảm được như mong đợi. Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) Nguyễn Như Quỳnh cho biết, một số trụ sở ở xã chuyển đổi công năng nhưng do tính năng thiết kế phục vụ các mục tiêu là khác nhau cho nên hiệu quả khai thác, sử dụng không cao, nhiều công trình không phù hợp công năng sau chuyển đổi, phải tốn kém kinh phí sửa chữa, cải tạo mà kết quả vẫn hạn chế.
Giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 ÐVHC cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, giảm tám ÐVHC cấp huyện, 561 ÐVHC cấp xã; giảm 429 cơ quan ở cấp huyện và 3.437 cơ quan ở cấp xã; tinh giản biên chế (đến tháng 4/2022) là 361/706 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657/9.705 cán bộ, công chức cấp xã, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.
Nguồn: Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15, ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các ÐVHC cấp huyện, cấp xã
(Còn nữa)