Kiên định tín dụng cho “tam nông”

Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng, trong suốt chặng đường hoạt động 35 năm đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn quan tâm mở rộng tín dụng, đưa nguồn vốn và nhiều dịch vụ, tiện ích khác về tận thôn, buôn, tổ dân phố, khu dân cư, qua đó thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Bùi Văn Quyển (áo trắng thứ hai từ phải sang) giới thiệu với Đoàn cán bộ Agribank về mô hình trồng sầu riêng được hình thành nên từ vốn vay ngân hàng.
Ông Bùi Văn Quyển (áo trắng thứ hai từ phải sang) giới thiệu với Đoàn cán bộ Agribank về mô hình trồng sầu riêng được hình thành nên từ vốn vay ngân hàng.

Vào những ngày tháng 3, thời điểm hoa cà-phê và sầu riêng đang kỳ nở rộ, chúng tôi tới hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại Thành Thoa (tại thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) để tìm hiểu về mô hình kinh tế mà ông đang theo đuổi. Ông Thành cũng là khách hàng gắn bó với Agribank từ hơn 20 năm nay.

Trong ngôi nhà khang trang với cơ ngơi trang trại trù phú, ông Thành nhớ lại, năm 1998, ông mạnh dạn vay Agribank chi nhánh Ngọc Hồi khoảng 20 triệu đồng để trồng cà-phê, hồ tiêu, nhưng chỉ được một thời gian, khi giá cà-phê, tiêu xuống thấp, ông lại gom toàn bộ vốn liếng, tài sản chuyển sang đầu tư nuôi heo và triển khai mô hình VAC.

Từ năm 2017 đến 2019, thời điểm heo rớt giá gây thua lỗ tới hàng chục tỷ đồng, ông Thành tưởng chừng không trụ nổi. “Nhưng nhờ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi tạo điều kiện, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất và cho vay vốn mới; lại được sự động viên của chính quyền địa phương mà tôi quyết tâm vượt qua, tiếp tục duy trì sản xuất và phục hồi trang trại”, ông Thành tâm sự.

Gia đình ông đã “đứng dậy” từ bờ vực phá sản, tiếp tục phát triển kinh tế cho đến khi có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Đến nay, gia đình ông đã có 10ha trong đó 7ha trồng cà-phê, hồ tiêu, cau xuất khẩu; còn 3ha, ông đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi mấy trăm heo nái, lợn rừng, gà. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, nguồn thu từ trang trại cũng mang lại cho gia đình ông Thành tiền lãi từ 1,8 tỷ đến 2 tỷ đồng.

Tương tự, người lính Bùi Văn Quyển sau khi xuất ngũ trở về địa phương đã “bắt tay” khởi nghiệp tại làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy từ năm 1990. Cũng giống ông Thành, con đường làm kinh tế của ông Quyển cũng không hề bằng phẳng khi gia đình đã phải chuyển đổi từ giống cây trồng này sang loại cây trồng khác. Ban đầu sau khi vay vốn ngân hàng, ông tập trung trồng cây cao-su với diện tích lên đến hàng chục héc-ta. Có thời điểm, ông Quyển như một tấm gương sáng về mô hình trồng cao-su trên huyện Sa Thầy, được nhiều người dân đến học hỏi.

Nhưng rồi cũng đến lúc ông nhận thấy sự thoái trào của cây cao-su, nhất là cách đây 5-7 năm, khi giá cao-su trên thế giới rớt thê thảm, ông quyết định chặt bỏ vườn cao-su để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái bao gồm cam, quýt, ổi, bơ, xoài, mãng cầu... nhưng nhiều nhất và chủ lực vẫn là sầu riêng và mít Thái. Và đồng hành cùng ông vẫn tiếp tục có sự góp mặt của Agribank chi nhánh huyện Sa Thầy.

Có thể nói, chính nhờ ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho gia đình ông được tiếp cận vốn vay kịp thời và lãi suất ưu đãi (đến thời điểm này, hộ ông Quyển đang có dư nợ vay gần 7 tỷ đồng với lãi suất tùy thời điểm từ 6,5% đến 7,5%/năm), đã giúp cho quá trình chuyển đổi cây trồng bước đầu đạt được những thành công nhất định, giúp gia đình ông trở thành một trong hai hộ trong tỉnh Kon Tum được cấp mã vùng trồng để có thể xuất khẩu trái cây ra thị trường nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) Nguyễn Tuấn Anh, nhiều năm qua, cây cao-su vẫn là một giống cây dễ trồng, dễ phát triển và giải quyết được vấn đề lao động của người dân. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của cây cao-su lại không cao, chỉ giúp người dân đủ ăn, ổn định đời sống chứ khó nói đến chuyện làm giàu.

Hiện nay, xã Ya Ly đang tuyên truyền, vận động để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, sang trồng cây ăn quả như mắc-ca, sầu riêng. “Và trong quá trình này, nếu không có nguồn vốn ngân hàng đầu tư thì người dân nơi đây không thể nào có đủ nguồn lực để mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập để từ đó địa phương phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiện, thu nhập bình quân của mỗi hộ dân là 36 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt nông thôn mới, thu nhập bình quân là 42 triệu đồng/người/năm.

Bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Kon Tum cũng cho biết: Thấu hiểu tâm lý e ngại khi làm dự án, hồ sơ, thủ tục vay vốn của người dân, đội ngũ cán bộ tín dụng đã thường xuyên bám cơ sở, tận tình giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp họ tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế.

Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng, với tổng tài sản hơn 1,8 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 65% tổng quy mô tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Agribank là chủ lực trong cho vay phát triển lĩnh vực này.

Kiên định với mục tiêu “tam nông” gắn với sứ mệnh của ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập, cho nên trong suốt hành trình 35 năm dù là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1%-2%/năm.

“Và đối với mỗi lĩnh vực kinh tế, khu vực vùng miền, chúng tôi lại có những chương trình tín dụng khác nhau. Đơn cử như xác định Tây Nguyên là địa bàn luôn thiếu vốn, cho nên hệ thống Agribank đã cân đối nguồn vốn bảo đảm luôn cung ứng vốn tín dụng kịp thời”, bà Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh.