Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

NDO - Chiều 15/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết kiệm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa) thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).

Chính sách tín dụng cũng được điều hành phù hợp với diễn biến thực tế. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là đối tượng được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù…

“Có thể thấy, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được triển khai khá đầy đủ qua nhiều kênh: tín dụng thương mại tại các ngân hàng thương mại, tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội và tín dụng tại các ngân hàng có bảo lãnh của các Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang, hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng đã tham gia cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực Thương mại và dịch vụ (56,29%), Công nghiệp và Xây dựng (40,85%). Các ngân hàng thương mại Nhà nước đang cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 48,05%, Khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng Liên doanh, Công ty tài chính và Ngân hàng Hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng quan điểm khi cho rằng, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn có phản ánh doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có những nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước; nguyên nhân từ phía ngành ngân hàng, phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các Quỹ tài chính nhà nước chưa hiệu quả;…

Định hướng thời gian tới, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh: Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp, cụ thể: các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục phối hợp triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.