WMO, Tổng cục Khí tượng Thủy văn hợp tác cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á

NDO - Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. Qua đó, Việt Nam được giao là Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh từ lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa WMO và Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Ảnh: VNMHA).
Hình ảnh từ lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa WMO và Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Ảnh: VNMHA).

Ngày 8/8, tại Geneva, Thụy Sĩ, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (VNMHA - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) đã diễn ra.

Tham dự chương trình có Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; GS,TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á-Thái Bình Dương RAII; Tiến sĩ Wenjian Zhang, trợ lý Tổng Thư ký WMO và nhiều quan chức lãnh đạo của WMO.

Cùng dự chương trình trực tuyến ở các điểm cầu còn có ông Ben Churchill, Trưởng văn phòng khu vực châu Á và Tây Nam Thái Bình Dương của WMO; ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam.

Từ những thiệt hại về người và tài sản ngày càng gia tăng và thảm khốc do sự xuất hiện của các hiểm họa khí tượng thủy văn, những tiến bộ trong hệ thống quan trắc và mô hình khí tượng thủy văn có thể ngăn ngừa thiệt hại do những hiểm họa đó gây ra, Đại hội WMO lần thứ 15 đã thông qua Nghị quyết 21 (Cg-XV) về nâng cao năng lực của các trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia (NMHS).

Nghị quyết nhằm hỗ trợ các NMHS cùng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kịp thời, chính xác hơn trong dự báo và cảnh báo lũ lụt; hợp tác với các nhà quản lý thiên tai, tích cực trong việc chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp lũ lụt, thông qua Sáng kiến dự báo lũ lụt (FFI). Nghị quyết cũng thông qua việc triển khai Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét (FFGS) với Dự án Bao phủ toàn cầu.

Cuộc họp lên kế hoạch ban đầu của Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam, từ ngày 20-23 tháng 11 năm 2017, với sự tham dự của đại diện Cơ quan Khí tượng Thủy văn Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các thành viên tham gia đều ủng hộ đề nghị Việt Nam trở thành Trung tâm khu vực của dự án SEAFFGS, có vai trò quan trọng trong các hoạt động chung của dự án nhằm cho phép các NMHS tham gia cung cấp những dự báo và cảnh báo kịp thời, chính xác về các hiểm họa khí tượng thủy văn, đặc biệt là lũ lụt.

SEAFFGS được phát triển trong khuôn khổ dự án “Xây dựng khả năng ứng phó với các sự kiện khí tượng thủy văn có tác động lớn thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm các thảm họa (MHEWS) ở các quốc đảo đang phát triển (SIDS) và Đông Nam Á (SEA)”. Hoạt động được Chính phủ Canada hỗ trợ. Vào ngày 28/6/2022, WMO và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã chính thức ra mắt Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á tại Hà Nội.

Trước vấn đề cấp thiết này, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas đã mời GS Trần Hồng Thái và các chuyên gia của cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam đến Geneva để tham gia lễ ký kết Biên bản ghi nhớ. Qua đó, giao VNMHA là Trung tâm khu vực SEAFFGS. Biên bản ghi nhớ tạo thành khuôn khổ. Trong đó, các bên sẽ cộng tác và hợp tác trong dự án SEAFFGS liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm dự báo khu vực của VNMHA cho Trung tâm khu vực SEAFFGS.

Phát biểu tại lễ ký kết, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, nhấn mạnh, sự kiện hôm nay đánh dấu một cột mốc rất quan trọng đối với cộng đồng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai.

Lũ quét cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người và gây thiệt hại lớn về tài sản mỗi năm, đe dọa sự phát triển bền vững toàn cầu.

Đặc biệt, do tác động của biến đổi khí hậu, lũ quét và sạt lở đất diễn ra với cường độ, tần suất cao hơn và khó dự báo hơn.

Đông Nam Á có khí hậu nhiệt đới gió mùa và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thủy văn như lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn chưa đầy đủ và phù hợp.

Sau 6 năm làm việc và nỗ lực vượt bậc, hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét ở Đông Nam Á đã chính thức được thành lập theo tuyên bố của Ban Thư ký WMO. Từ sự ra mắt chính thức SEAFFGS, cho thấy Đông Nam Á đã sở hữu một hệ thống rất toàn diện mà GS Thái tin rằng, sẽ cứu được rất nhiều sinh mạng và giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho khu vực. Hệ thống tích hợp nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ vệ tinh, radar, trạm tự động, đo đạc địa hình nhằm cung cấp cho người dự báo thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiệu quả.

Ông Trần Hồng Thái chia sẻ, nhờ sự công nhận và tin tưởng từ Ban Thư ký WMO, các nước thành viên SEAFFGS và các đồng nghiệp, VNMHA đã được chọn làm Trung tâm khu vực Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét. Với kinh nghiệm vận hành một trung tâm khu vực tương tự về dự báo thời tiết khắc nghiệt cho Đông Nam Á, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để vận hành và duy trì SEAFFGS một cách hiệu quả. Đồng thời, sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ WMO và các nước thành viên khác để cung cấp thông tin tốt hơn về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất. Từ đó, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững trong khu vực.