WHO: Việt Nam đã chống dịch rất tốt, nhưng Covid-19 vẫn chưa kết thúc

NDO -

Trao đổi với Nhân Dân điện tử, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, WHO đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã làm việc không ngừng và những nỗ lực không mệt mỏi để kiểm soát thành công sự bùng phát Covid-19. Tuy nhiên, WHO lưu ý đại dịch vẫn chưa kết thúc và cần thực hiện các biện pháp chuyển đổi an toàn. 

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh: WHO)
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh: WHO)

PV: Xin ông cho biết đánh giá của WHO về chiến lược tiêm chủng và phòng, chống đại dịch của Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ Kidong Park: Trong 5 tháng qua, trong suốt làn sóng đại dịch lần thứ 4 tại Việt Nam, chúng ta đã nhìn thấy sự gia tăng đáng kể số ca mắc và tử vong. Điều này khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải và gây ra thách thức to lớn với lực lượng nhân viên y tế và lực lượng ứng phó (với đại dịch) của chúng ta. Như nhiều quốc gia trên thế giới, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao là một thách thức chính trong đợt gia tăng các ca mắc Covid-19 lần này.

Tín hiệu tốt là trong nhiều tuần liên tiếp, chúng ta đang thấy xu hướng giảm dần số ca mắc và tử vong mới. Điều đáng mừng là chúng ta đang dần nối lại một số hoạt động kinh tế và xã hội trên khắp đất nước, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành điểm nóng khác.

Về vấn đề tiêm chủng, cho đến nay, Việt Nam đã nhận một số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có từ cơ chế COVAX. Dự kiến trong những tháng tới và năm 2022, sẽ có thêm nhiều vaccine ngừa Covid-19 về tới Việt Nam. Việt Nam có năng lực tiêm chủng cao. Trong những tháng gần đây, mỗi ngày có hơn 1 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân.

Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã làm việc không ngừng và những nỗ lực không mệt mỏi để kiểm soát thành công sự bùng phát Covid-19, đồng thời đẩy nhanh việc tiêm chủng với cách tiếp cận toàn xã hội. 

Chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự khâm phục trước cam kết bền bỉ của các địa phương thông qua hoạt động tuyệt vời của các Tổ Covid-19 cộng đồng; và người dân Việt Nam vì đã chung tay trong cuộc chiến chống lại Covid-19 bằng cách bảo vệ bản thân bằng việc thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K và tiêm chủng ngay khi đến lượt.

Nhưng vẫn phải xin nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Khi mà chúng ta vẫn thấy ca mắc mới, thì chưa địa phương nào an toàn cho tới khi tất cả các địa phương đều an toàn.

PV: WHO có khuyến nghị gì cho Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã chuyển hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19”?

Tiến sĩ Kidong Park: Giờ đây chúng ta phải nhận ra rằng, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tồn tại. Chúng ta phải tìm cách hướng tới bình thường mới. Để đạt được điều này chúng ta cần chuyển từ tập trung, ngăn chặn sang sống chung với dịch Covid-19.

WHO hoan nghênh Nghị quyết 128 của Chính phủ về các hướng dẫn tạm thời trong việc thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.

Tôi xin nhắc lại các khuyến nghị về việc chuyển đổi an toàn như sau:

Thứ nhất: Đầu tiên là vaccine. Chúng ta cần sử dụng vaccine một cách chiến lược, cần ưu tiên cho những người có nguy cơ cao, bị phơi nhiễm hoặc diễn biến bệnh nặng. Vaccine nên được tiêm miễn phí vì đây là một phần của dịch vụ y tế thiết yếu trong đó bao gồm phòng ngừa và điều trị Covid-19.

Thứ 2: Các biện pháp 5K: Chúng ta hãy tiếp tục khuyến khích việc bảo vệ bản thân bằng việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K và các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng khác.

Thứ 3: Chúng tôi muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực hệ thống y tế. Điều này bao gồm việc chăm sóc sức khỏe từ cơ sở, chuẩn bị nguồn lực tài chính công đầy đủ, đào tạo nhân viên y tế liên tục và bảo đảm có các lộ trình chăm sóc an toàn và phù hợp từ chăm sóc tại nhà thông qua các cơ sở y tế cho đến chăm sóc tại các bệnh viện tuyến trên.

Thứ 4: Ứng dụng có chiến lược các công nghệ kỹ thuật số.

Thứ 5: Phương pháp tiếp cận toàn xã hội. Để tiếp tục tiến về phía trước, chúng ta cần sự cam kết tiếp tục ở cấp cao và sự hợp tác của mọi người dân dựa trên cách tiếp cận toàn xã hội.

Các biện pháp này sẽ bảo đảm rằng Covid-19 sẽ không tiếp tục gây nguy hiểm cho người dân. Những nỗ lực này là cần thiết trong việc thích ứng và ứng phó với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào về sức khỏe cộng đồng trong tương lai cũng như đưa đất nước tiến gần hơn đến với bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!