WHO và Mỹ cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Delta

NDO -

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng.

Số ca tử vong và nhập viện giảm mạnh tại những nơi có nhiều người được tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: AP)
Số ca tử vong và nhập viện giảm mạnh tại những nơi có nhiều người được tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: AP)

Ngày 18-6, nhà khoa học hàng đầu tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cảnh báo, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu.

Phát biểu họp báo, bà Swaminathan cho biết: "Biến thể Delta đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng".

Hiện WHO phân loại biến thể Delta ở mức "biến thể đáng lo ngại". Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc Covid-19 ở Anh, Đức và Nga.

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo, biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Biến thể này nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh.

Ông Montgomery cho biết, chừng nào chưa đạt đủ tỷ lệ số lượng người được tiêm phòng thì cần phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cuộc sống hằng ngày. Do vậy, chắc chắn người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang FFP2 khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng và các khu vực trong nhà khác. 

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới kêu gọi các nước cân nhắc lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng.

Biến thể Delta đặc biệt nguy hiểm với giới trẻ

Cùng ngày, tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, biến thể Delta, vốn được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, là biến thể dễ dàng lây nhiễm, gây ra nguy cơ tử vong cao hơn và đặc biệt nguy hiểm đối với giới trẻ.

“Tuy nhiên, tin tốt lành là chúng ta đã có cách giải quyết. Khoa học và dữ liệu đã khẳng định. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước các biến thể là tiêm phòng đầy đủ”, ông Biden nói.

Tổng thống Mỹ kêu gọi những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 trò chuyện với gia đình, bạn bè - những người đã tiêm phòng - và với bác sĩ.

“Hãy hành động ngay bây giờ”, ông Biden hối thúc. 

Theo ông chủ Nhà Trắng, số ca tử vong và nhập viện đang giảm mạnh tại những nơi có nhiều người được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, các số liệu này đang tăng tại một số khu vực.

Tính đến ngày 18-6, khoảng 65,1% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. 55% số người trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ.

Mỹ đã sử dụng 300 triệu liều vaccine trong 150 ngày qua. Với tốc độ tiêm chủng hiện nay, Mỹ có thể chưa đạt được mục tiêu đến Ngày Quốc khánh (4-7) tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số. Chỉ có tỷ lệ tiêm chủng tại 15 bang và thủ đô Washington, D.C. đã vượt mức để đạt miễn dịch cộng đồng. 

Đầu tuần này, Mỹ đã cán mốc 600 nghìn ca tử vong do Covid-19. Dù các quốc gia khác như Brazil, Anh và Nga có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao hơn nhưng Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong do Covid-19 nhất thế giới.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 19-6 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 178.585.869 ca mắc, 3.866.633 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.393.170 ca mắc, 616.917 ca tử vong
2. Ấn Độ: 29.822.764 ca mắc, 385.167 ca tử vong
3. Brazil: 17.802.176 ca mắc, 498.621 ca tử vong
4. Pháp: 5.752.872 ca mắc, 110.702 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.359.728 ca mắc, 49.071 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.963.266 ca mắc, 54.043 ca tử vong 
2. Philippines: 1.346.276 ca mắc, 23.385 ca tử vong
3. Malaysia: 685.204 ca mắc, 4.276 ca tử vong 
4. Thái Lan: 210.782 ca mắc, 1.577 ca tử vong 
5. Myanmar: 147.069 ca mắc, 3.251 ca tử vong  
6. Singapore: 62.382 ca mắc, 34 ca tử vong
7. Campuchia: 41.581 ca mắc, 394 ca tử vong
8. Việt Nam: 12.414 ca mắc, 62 ca tử vong
9. Lào: 2.047 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 251 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 54.221.113 ca mắc, 761.888 ca tử vong
2. Châu Âu: 47.387.727 ca mắc, 1.091.032 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 40.303.571 ca mắc, 910.897 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 31.399.881 ca mắc, 964.510 ca tử vong
5. Châu Phi: 5.201.818 ca mắc, 137.032 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 71.038 ca mắc, 1.259 ca tử vong

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư