Trong cuộc họp báo tại Geneva, quan chức xử lý thảm họa động đất của WHO Robert Holden cảnh báo, có nhiều người sống sót "đang phải ở ngoài trời, trong điều kiện khủng khiếp và ngày càng tồi tệ". Ông cũng Holden đề cập đến thực tế nguồn cung nước, nhiên liệu, điện, thông tin liên lạc bị gián đoạn.
"Chúng ta thật sự có nguy cơ phải chứng kiến thảm họa thứ hai có thể gây hại cho nhiều người hơn so với thảm họa ban đầu nếu chúng ta không hành động với tốc độ và cường độ như chúng ta đang làm tại các khu vực tìm kiếm và cứu nạn", ông Holden nhấn mạnh.
Mức độ thảm khốc của trận động đất cùng với thời tiết khắc nghiệt đã và đang cản trở các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất tại 2 quốc gia này đang đối mặt với nhiệt độ thấp hơn mức bình thường. Nhiệt độ tại thành phố Aleppo của Syria được dự báo sẽ giảm còn -3 đến -2°C vào cuối tuần này trong khi mức nhiệt thấp nhất trong tháng hai thường là 2,5°C.
Viện trợ nhân đạo đến với các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát
Tại Syria, cuộc xung đột kéo dài trong nhiều năm và cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng là những rào cản khiến công tác hỗ trợ những người sống sót sau động đất gặp nhiều khó khăn hơn. Các viện trợ quốc tế không thể nhanh chóng vào nước này. Ba ngày sau khi xảy ra động đất, đoàn xe viện trợ đầu tiên của Liên hợp quốc mới có thể di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang miền tây bắc Syria.
Viện trợ nhân đạo được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 9/2/2023. (Ảnh: Reuters) |
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA), đoàn xe này gồm 6 xe tải chở theo các đồ dùng để làm chỗ ở tạm và các mặt hàng phi thực phẩm đã đi qua cửa khẩu Bab al-Hawa - hành lang viện trợ nhân đạo duy nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Syria, ông El-Mostafa Benlamlih cho biết, số người cần được hỗ trợ nhân đạo tại nước này trước khi xảy ra động đất là 15,3 triệu người, nhưng bây giờ con số này cần được đánh giá lại.
Riêng tại thành phố Aleppo, 100.000 người được cho là đã bị mất nơi ở, trong đó 30.000 người đang trú tạm tại các trường học và nhà thờ.
Ông cho biết 30.000 trường hợp này vẫn là những người may mắn vì 70.000 người khác đang phải sống trong điều kiện tồi tệ hơn.
Một nhân viên cứu trợ phụ trách phân phát hàng viện trợ cho các thành phố ở miền bắc Syria chia sẻ với kênh CNN rằng, nhiều người bị mất nhà cửa đang phải ngủ trong xe của họ trong điều kiện "rất, rất khó khăn".
Ông Mostafa Edo, Giám đốc quốc gia của tổ chức phi chính phủ MedGlobal có trụ sở tại Mỹ cho rằng: "Những người sống sót đang ở dưới các đống đổ nát có thể chết vì thời tiết lạnh giá".
Đến nay, một số quốc gia, trong đó có Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Iraq và Nga, đã chuyển viện trợ tới các sân bay do Chính phủ Syria kiểm soát.