WHO kêu gọi quyên góp đối phó bệnh đậu mùa khỉ

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi hành động chung toàn cầu để kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (mpox) mới, đồng thời cho biết kế hoạch ứng phó sẽ cần ít nhất 135 triệu USD trong 6 tháng tới.
Nhân viên y tế điều trị cho em nhỏ mắc đậu mùa khỉ tại Nyiragongo, Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 15/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho em nhỏ mắc đậu mùa khỉ tại Nyiragongo, Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 15/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Ghebreyesus khẳng định thế giới có thể kiểm soát và ngăn chặn đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ mới này. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả đòi hỏi phải có hành động toàn diện và phối hợp của quốc tế.

WHO cho biết các đối tác của tổ chức như Liên minh vắc-xin (Gavi) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) có thể bắt đầu mua vắc-xin mpox trước khi vắc-xin này được WHO cấp phép.

Điều này nhằm đẩy nhanh hơn việc đưa vắc-xin đến châu Phi trong bối cảnh lục địa này đang phải chống chọi với sự bùng phát của bệnh. WHO đã yêu cầu các nhà sản xuất vắc-xin gửi thông tin để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt và cấp giấy phép khẩn cấp vào giữa tháng 9.

Hai loại vắc-xin do hãng dược Bavarian Nordic của Đan Mạch và KM Biologics của Nhật Bản sản xuất đã được các cơ quan quản lý dược phẩm trên toàn thế giới chấp thuận và đã được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa đậu mùa khỉ kể từ năm 2022.

Tại Mỹ, khoảng 1,2 triệu người đã tiêm vắc-xin của Bavarian Nordic. WHO dự kiến sẽ cấp giấy phép khẩn cấp cho các vắc-xin này vào tháng 9.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết một số lô vắc-xin phòng đậu mùa khỉ được tài trợ dự kiến sẽ đến châu lục này trong tuần tới.

Cơ quan này ước tính châu Phi cần khoảng 10 triệu liều vắc-xin phòng bệnh. Chính phủ Đức đang xem xét khả năng trao tặng lượng vắc-xin đậu mùa khỉ hiện có. Bộ Y tế Đức cho biết, Đức đang có khoảng 117.000 liều vắc-xin được mua vào năm 2022 và do quân đội Đức lưu trữ.

Đậu mùa khỉ là bệnh do vi-rút lây lan qua tiếp xúc gần và thường biểu hiện nhẹ, nhưng có thể gây tử vong.

Tuần trước, WHO đã tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu do đậu mùa khỉ sau khi một chủng mới của vi-rút này gây tử vong cao hơn và dễ lây truyền hơn, là Clade 1b, lây lan ở CHDC Congo và nhiều nơi khác trên thế giới.

Mới nhất, ngày 23/8, Bộ Y tế Gabon cho biết Gabon đã ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên, song chưa xác định được bệnh nhân nhiễm biến thể nào của vi-rút. Bệnh nhân là nam giới 30 tuổi, trở về từ Uganda và có biểu hiện sốt cùng các tổn thương trên da.

Cùng ngày, Bộ Y tế Argentina thông báo đã phát hiện trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này kể từ khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trước đó, Bộ Y tế Argentina đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp sau khi phát hiện một thủy thủ trên tàu vận tải Ina-Lotte mang cờ Liberia đến từ Brazil có triệu chứng lâm sàng bệnh đậu mùa khỉ.

Ngay lập tức, toàn bộ thủy thủ và nhân viên trên tàu Ina-Lotte được yêu cầu kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm giám sát dịch tễ học và không được rời khỏi tàu. Các biện pháp giám sát theo quy định quốc tế cũng đã được tăng cường tại các cửa khẩu cả trên đất liền, hải cảng và sân bay.