Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Thực tiễn hiện nay cho thấy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có bổ sung một số đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Đồng thời, sửa đổi đối tượng chịu thuế: Xe ô-tô (bổ sung loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ) và tàu bay (sửa đổi theo hướng chỉ quy định “máy bay, trực thăng, tàu lượn”).
Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng.
Trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có bổ sung một số đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Đồng thời, sửa đổi đối tượng chịu thuế: Xe ô-tô (bổ sung loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ) và tàu bay (sửa đổi theo hướng chỉ quy định “máy bay, trực thăng, tàu lượn”).
Để góp ý hoàn thiện Đề nghị này, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, sáng 5/7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, cơ quan này có trách nhiệm tổng hợp, ghi nhận đầy đủ, phản ánh một cách kịp thời, trung thực những kiến nghị của doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan. Các ý kiến thảo luận trong hội thảo sẽ là những thông tin rất hữu ích để VCCI báo cáo tới các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ.
Xây dựng lộ trình về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia
Các doanh nghiệp rượu bia Việt kêu khó
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết, ngành đồ uống đang đặc biệt khó khăn do tác động từ Covid-19, Nghị định 100. Trong khi đó, nguồn cầu giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 50-60%. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cũng chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác, như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Góp ý tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, nên chăng lùi thời hạn tăng thuế hoặc mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nước giải khát có đường trong bối cảnh mà theo nhiều doanh nghiệp là “khó khăn chưa từng có” hiện nay, tránh đi ngược lại các chủ trương của Nhà nước và Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Ngành đồ uống đang đặc biệt khó khăn do tác động từ Covid-19, Nghị định 100. Trong khi đó, nguồn cầu giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 50-60%. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cũng chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác, như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Đại diện các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát như Coca Cola, Pepsi, Sabeco, Heineken cũng đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ hoãn việc tăng thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế trong lần sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt này cho tới khi các doanh nghiệp đã phục hồi và cáng đáng được các nghĩa vụ bổ sung.
Doanh nghiệp game Việt lo thua trên chính sân nhà
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện các doanh nghiệp game Việt.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam, ngành game có nhiều tiềm năng, được rất nhiều quốc gia trên thế giới coi là một trong những trụ cột của kinh tế số, bởi những lợi ích mà nó mang lại không chỉ là về doanh thu, lợi nhuận, mà còn trực tiếp tác động đến doanh thu của các ngành khác.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn số liệu ước tính từ công ty phân tích số liệu Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Nhiều quốc gia phát triển xem đây như một trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế số.
Việt Nam dù có nhiều tiềm năng để phát triển ngành game, tuy nhiên, hiện nay ngành vẫn phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Mặt khác, trong suốt nhiều năm, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.
Ông Nghĩa dẫn số liệu thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện có không đến 20 doanh nghiệp game Việt Nam đang còn hoạt động thường xuyên trên tổng số hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký. Theo thống kê của Newzoo, tại thị trường Việt Nam năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp có nguồn gốc nội địa chỉ chiếm khoảng 22%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp có nguồn gốc nước ngoài.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG Games, cho biết, tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể ở đây là Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh việc phải bảo đảm các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng.
Theo ông Thắng, hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Những game này không bị quản lý bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng không đóng bất cứ khoản thuế nào cho nhà nước Việt Nam, bởi khác với hàng hóa thông thường, các sản phẩm trên môi trường internet rất khó quản lý theo phạm vi biên giới, lãnh thổ. Một người dùng Việt Nam rất dễ dàng trả tiền cho 1 dịch vụ trò chơi của nước ngoài chỉ bằng vài thao tác đơn giản.
Như vậy, hiện nay các doanh nghiệp game Việt Nam đang phải chật vật cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài. Chưa kể, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp game cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Thắng cho biết, đơn cử như với VNG, doanh thu năm 2022 của VNG giảm 12% so với năm 2021, tổng số thuế mảng game năm 2022 nộp cho ngân sách nhà nước của VNG là khoảng 758 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021 (khoảng 883 tỷ đồng). Số lượng nhân viên mảng sản xuất và kinh doanh game năm 2022 của doanh nghiệp này giảm 11% xuống còn 1.132 người và năm 2023 tiếp tục giảm xuống còn khoảng 980 người (giảm 13%).
Do đó, trong bối cảnh khó khăn này, nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện VNG cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hóa, tài chính,… sẽ trở nên rất nặng nề cho các cơ quan quản lý nhà nước.
“Trong bối cảnh Nhà nước chưa thể tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trái phép, nếu chưa có những đánh giá đầy đủ, xác đáng, khách quan, đa chiều về tác động của chính sách với ngành thì ít nhất chúng ta cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn trước khi đưa ra quyết định” - ông Thắng phát biểu.