Vùng ngập lũ khắc phục khó khăn, đón học sinh vào năm học mới

Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài, gây lũ quét, sạt lở đất, cuốn trôi nhiều nhà ở của người dân, làm ngập úng, hư hỏng nhiều trường học.
0:00 / 0:00
0:00
Các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trường tiểu học Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn (Sơn La).
Các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trường tiểu học Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn (Sơn La).

Để khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm cơ sở vật chất cho học sinh vào năm học mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương bị thiên tai, ngành giáo dục, tập thể giáo viên ở các trường đã nỗ lực thu dọn, huy động các nguồn lực mua sắm vật dụng, sửa chữa cơ sở phòng, lớp học để đón học sinh vào năm học mới.

Trận lũ quét xảy ra vào đêm 24 rạng sáng 25/7 tại xã biên giới Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã làm ba em học sinh tử vong và mất tích. Cơ sở vật chất 5 trường học của xã đều bị hư hỏng.

Thầy Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho biết: Trong số 1.667 em đang theo học tại 5 trường ở xã Mường Pồn thì có 400 học sinh có gia đình bị ảnh hưởng lũ quét; rất nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi nhà ở, hiện đang phải đi ở nhờ.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo ban giám hiệu các trường, giáo viên về từng gia đình học sinh thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tâm lý để các em yên tâm. Với các học sinh có bố, mẹ tử vong do lũ; học sinh có nhà bị lũ cuốn trôi, hiện đang phải ở nhờ nhà người thân, thì các thầy, cô giáo thường xuyên thăm gặp, nắm bắt tâm tư phụ huynh, học sinh để kịp thời có phương án hỗ trợ; đồng thời hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập để phụ huynh không phải lo lắng mua sắm đồ dùng cho con em như những năm học trước.

Tại Trường trung học cơ sở Mường Pồn, sáng 27/8 các thầy, cô giáo đã có mặt đông đủ để lau chùi bàn ghế, đồ dùng giảng dạy. Thầy Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đợt lũ quét vừa qua đã làm đổ sập 150m tường bao; cuốn trôi hoàn toàn hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt chính của trường; khu vực bếp ăn, nhà ở của học sinh bán trú bị đất đá tràn vào.

Ngay khi cơn lũ đi qua, dù chưa hết thời gian nghỉ hè, các thầy, cô giáo đã về trường thu dọn bùn đất. Được sự hỗ trợ của dân quân xã và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang, đến thời điểm này, các thầy, cô giáo đã cơ bản dọn sạch hết bùn đất trong lớp học, bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh. Ủy ban nhân dân xã khảo sát làm công trình tạm kịp thời dẫn nước sinh hoạt phục vụ thầy, cô giáo và học sinh nội trú trước ngày khai giảng.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên chỉ đạo giáo viên các trường chủ động cập nhật, nắm bắt hoàn cảnh, thiệt hại của từng học sinh để kêu gọi, vận động nguồn lực mua sắm đồ dùng học tập cho các em. Hiện 5 trường trên địa bàn xã Mường Pồn gồm: Mầm non số 1, mầm non số 2, phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, tiểu học số 2 và trung học cơ sở đã tiếp nhận ủng hộ hơn 500 bộ sách giáo khoa cho học sinh (từ lớp 1 đến lớp 9); 10.700 vở viết, 1.500 bút, 25 xe đạp, 458 ba-lô, cặp sách, hàng trăm bộ quần áo, giày dép và các nhu yếu phẩm khác phục vụ dạy và học trong năm học mới 2024-2025.

Căn cứ số học sinh bị ảnh hưởng do lũ ở từng trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phân bổ đồ dùng, thiết bị, sách giáo khoa đến từng trường và yêu cầu ban giám hiệu các trường phải trao tận tay cho học sinh, phụ huynh. Trận lũ quét vừa qua đã cướp đi bố và em của học sinh Quàng Văn Trường ở bản Mường Pồn 1. Em Trường giờ chỉ còn mẹ.

Được các thầy, cô về thăm hỏi, động viên, những ngày này Trường đã dần ổn định tâm lý để bước vào năm học mới. Em bộc bạch: “Bố mất, em mất, nhà cũng không còn. Em và mẹ ở nhờ nhà của ông nội. Những ngày qua, các thầy, cô về thăm và cho em sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, đến nay em đã có đủ sách vở cho năm học mới. Em sẽ cố gắng học tập vươn lên để sau này còn làm chỗ dựa cho mẹ!”.

Thầy Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho biết thêm: Được sự hỗ trợ của các lực lượng, giáo viên trong huyện, đến nay 5 trường học ở xã Mường Pồn đã hoàn thiện các điều kiện sẵn sàng bước vào năm học mới.

100% học sinh bị thiệt hại ở vùng lũ đều được hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết; trường, lớp học, phòng ăn, phòng ở của các em được bảo đảm. Ngoài công tác chuyên môn, trong năm học này, hằng tuần các trường học ở vùng lũ Mường Pồn bố trí các buổi hoạt động tập thể để hỗ trợ tâm lý cho học sinh bị mất người thân, giúp các em ổn định tinh thần, nguôi nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống, học tập.

Đến thời điểm hiện tại, ngành giáo dục và đào tạo các huyện và thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên dọn dẹp, tu sửa; kêu gọi ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ sách, vở, đồ dùng học tập, động viên học sinh đến trường trong năm học mới. Cuối tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, 10 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại năm huyện, thành phố Sơn La bị ngập úng nhiều ngày.

Trong đó, huyện Mai Sơn chịu thiệt hại nặng nề nhất. Mưa lũ đã làm hai học sinh tử vong, 19 phòng học, phòng chức năng, phòng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú tại Trường tiểu học Chiềng Nơi bị ngập nước; hơn 200m tường rào chung quanh trường bị đổ và hỏng hoàn toàn. Các thiết bị dạy và học tại điểm trường trung tâm bị hư hỏng.

Ông Cầm Văn Khởi, bản Nhụng Trên, xã Chiềng Nơi cho biết: “Gác lại mọi công việc của gia đình, chúng tôi cùng hơn 160 phụ huynh của bản Nhụng Trên đến giúp thầy trò Trường tiểu học Chiềng Nơi dọn dẹp bùn đất, vệ sinh sân trường và lau dọn các phòng học. Nhờ sự chung tay của phụ huynh và giáo viên nhà trường, sân trường và nhiều phòng học đã trở lại trạng thái bình thường, sẵn sàng đón năm học mới”.

Ông Cầm Văn Trực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Nơi cho biết: Hiện tại, có một cầu treo và một cầu tràn là đường giao thông chính dẫn đến trung tâm Trường tiểu học Chiềng Nơi bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nguy cơ mất an toàn cho hơn 200 học sinh qua lại đây. Trong đó, cây cầu treo đã bị cuốn trôi. Còn cầu tràn đã bị mưa lũ phá hủy một phần. Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài cầu sẽ bị nhấn chìm, không thể đi qua.

Thầy giáo Hà Minh Công, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chiềng Nơi cho hay: Có hơn 200 học sinh từ các thôn Nhụng Trên, Nhụng Dưới, Pá Hốc, Hua Pư và Huổi Lạc sẽ đến nhập học tại trường. Thôn xa nhất cách trường khoảng 25 km. Cầu treo bị lũ cuốn trôi sẽ khiến các em phải đối mặt với nguy hiểm khi vượt suối hoặc đi đường vòng rất gian nan.

Trước mắt, nhà trường đã cơ bản sửa chữa, khắc phục những đồ dùng, thiết bị dạy học bị hư hỏng, bảo đảm tổ chức khai giảng đúng lịch. Nhà trường kiến nghị với cấp trên sớm đầu tư cầu treo, vận động phụ huynh cõng con qua suối để đến điểm trường vào sáng thứ hai và chiều thứ sáu mới đón các con về. Trong những ngày các cháu ở lại trường, nhà trường sẽ bảo đảm cơ sở vật chất nấu ăn bán trú cho hơn 200 em.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương sửa chữa ngay các công trình bị ảnh hưởng, bảo đảm kịp thời cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường cho người dân vùng lũ, nhất là tại các trường học.

Tỉnh rà soát lại kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, ngân sách tỉnh năm 2024 để dừng, giãn, hoãn lại các dự án và các nhiệm vụ chưa thật sự cần thiết để có nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và đời sống người dân vùng lũ, nhất là những nơi cần phải đầu tư sớm cầu qua sông, suối. Đến thời điểm hiện tại, 100% trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bảo đảm các điều kiện cho tổ chức lễ khai giảng năm học mới, tổ chức dạy và học ổn định.