Vun đắp yêu thương đối với người khuyết tật

NDO - Hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa vấn nạn bạo lực đối với người khuyết tật, Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì sự Phát triển Hòa nhập (IDEA), phối hợp Hội Người khuyết tật tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Hãy bắt đầu một cuộc sống không bạo lực”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người khuyết tật ở Ninh Bình được hỗ trợ học nghề đã vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Nhiều người khuyết tật ở Ninh Bình được hỗ trợ học nghề đã vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tại đây, các hội viên khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật ở tỉnh Ninh Bình được chia sẻ những kiến thức về quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật bình đẳng giới và kỹ năng ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới có thể áp dụng đấu tranh, chống lại bạo lực và tự tin vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Tăng cường năng lực ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”, thuộc chương trình Alumni của Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Trung tâm IDEA cho biết: Hiện cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật. Họ thường gặp khó khăn gấp 3 lần so người bình thường. Họ có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực vì lý do khuyết tật, lý do về giới.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về mức độ bạo lực tình dục, bạo lực trong cộng đồng người khuyết tật, trong nhóm khuyết tật. Phần lớn các nạn nhân của các vụ bị bạo lực, bị ngược đãi không dám lên tiếng phản kháng, bởi đa phần người khuyết tật phải sống phụ thuộc vào người khác.

Hơn nữa, thái độ của cộng đồng và sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ cần thiết càng làm cho nhiều nạn nhân im lặng khi bị bạo lực. Hậu quả là làm cho nạn nhân trở nên nặng nề, tâm lý hoang mang, lo sợ về môi trường sống không an toàn. Do đó, người khuyết tật cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời để bảo đảm các quyền con người.

Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Ninh Bình cho biết, Ninh Bình hiện có 3.500 người khuyết tật, trong đó người khuyết tật là phụ nữ chiếm 30%.

Thời gian qua, Hội Người khuyết tật Ninh Bình đã thành lập nhiều câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật nhằm hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật và giúp đỡ họ phát triển kinh tế.

Dự án về “Tăng cường năng lực ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật” là dự án điểm đang được triển khai tại huyện Yên Khánh (Ninh Bình), đem lại hiệu quả tích cực cho người khuyết tật.

Dự kiến, Hội người khuyết tật Ninh Bình sẽ nhân rộng đến các huyện, thành phố trong tỉnh; kết hợp tìm kiếm các nguồn tài trợ để hỗ trợ tuyên truyền, tư vấn, trang bị kiến thức phòng chống bạo lực; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật vươn lên tự tin hòa nhập với xã hội.