Chương trình giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Gia Lai thông qua các hoạt động như: Trình diễn cồng chiêng, múa hát dân gian, chơi nhạc cụ truyền thống, đan gùi, tạc tượng, dệt thổ cẩm của người Ba Na, Gia Rai và thưởng thức hương vị ẩm thực núi rừng Tây Nguyên. Các em nhỏ được xem những màn múa lân sôi động, cùng nghệ nhân tìm hiểu ý nghĩa mâm cỗ truyền thống, cách bày mâm cỗ trong Tết trông trăng, trải nghiệm làm các đồ chơi dân gian như: Ðèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, hoa quả bột, tiến sĩ giấy...
Sắc màu di sản văn hóa Quảng Nam
Ngày 7-9, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam, nhân kỷ niệm 20 năm Ðô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được Tổ chức UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức triển lãm mỹ thuật "Di sản văn hóa". Triển lãm trưng bày 100 tác phẩm hội họa, điêu khắc được lựa chọn từ 170 tác phẩm của hơn 80 tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước gửi tham dự. Mỗi tác phẩm đều thể hiện góc nhìn riêng về vẻ đẹp và giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của mảnh đất Quảng Nam, đề cao tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ban tổ chức đã trao một giải A (tác phẩm Ðêm hội của họa sĩ Lê Ðình Chinh), hai giải B, ba giải C và ba Giải khuyến khích. Triển lãm kéo dài đến ngày 15-9.
Tìm hiểu tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á
Hội thảo quốc tế "Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á" vừa diễn ra tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội), thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong nước và các nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a... Với ba phiên làm việc, hội thảo tập trung tìm hiểu, thảo luận về các chủ đề chính như: Các truyền thuyết, lịch sử tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở khu vực châu Á, các di tích gắn liền với tín ngưỡng và việc thực hành tín ngưỡng này ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á. Qua đó, hội thảo góp phần làm sáng tỏ hơn những điểm chung về niềm tin, tôn giáo, phong tục, tập quán cũng như những đặc thù riêng của mỗi quốc gia trong khu vực.
Ra mắt hồi ký Ðoàn binh Tây Tiến
Hồi ký Ðoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng vừa được Nhà xuất bản Kim Ðồng ra mắt bạn đọc. Ðây là lần đầu tập hồi ký được công bố rộng rãi với những trang viết thuật lại một cách chi tiết, sinh động quãng thời gian nhà thơ Quang Dũng tham gia đoàn quân Tây Tiến. Hồi ký đã cung cấp nhiều thông tin về hoạt động của binh đoàn, về các chiến sĩ Việt Nam - Lào, những người cầm súng và cầm kèn trong "Ðoàn Võ trang tuyên truyền biên khu Lào - Việt" (tiền thân của đoàn binh Tây Tiến); đồng thời cho thấy chân dung một thi sĩ hào hoa với nhiều trang miêu tả tuyệt đẹp về cảnh sắc thiên nhiên trên đất nước ta và nước bạn Lào. Ðây được xem là những tư liệu văn nghệ lịch sử có giá trị đóng góp vào di sản văn nghệ kháng chiến nước nhà.
Việt Nam tham dự Liên hoan phim quốc tế Bu-san lần thứ 24
Hai bộ phim Thưa mẹ con đi (đạo diễn Trịnh Ðình Lê Minh) và Anh trai yêu quái (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng) đã được mời tham dự Liên hoan phim quốc tế Bu-san lần thứ 24 diễn ra từ ngày 3 đến 12-10 tại thành phố cảng Bu-san, Hàn Quốc. Hai bộ phim sẽ tham dự hạng mục Cửa sổ điện ảnh châu Á - một trong những hạng mục quan trọng nhất của liên hoan, tuyển chọn những bộ phim mới, nổi bật của các nhà làm phim đến từ châu Á. Liên hoan phim quốc tế Bu-san là một trong những liên hoan phim có uy tín; mỗi năm, giới thiệu khoảng 300 phim được tuyển chọn kỹ lưỡng, phản ánh chân thực diện mạo chung của điện ảnh châu Á đương đại.