Vui thả diều phải an toàn

Thời gian gần đây, đang trong mùa nắng cho nên hoạt động thả diều giải trí, thư giãn... diễn ra khá rôm rả trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00

Cảnh thả diều diễn ra ở nhiều nơi, từ các đường phố, công viên đến những khu đất trống, từ các quận nội thành đến các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... Ngoài trẻ em là chủ yếu, cũng không ít người lớn tham gia chơi diều.

Đáng chú ý, kích cỡ các con diều khá lớn, phần lớn có chiều rộng từ hai đến ba mét, chiều dài từ bốn đến năm mét; dây diều cũng là loại lớn để có thể giữ và điều khiển được con diều bay ổn định. Không những vậy, có những con diều còn được gắn thêm vật trang trí hoặc “đồ chơi” như đèn LED, kèn, sáo...

Trong khi đó, hoạt động thả diều gần như chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, chủ yếu vẫn là tự phát và diễn ra ở những khu vực không bảo đảm an toàn cho người dân và các công trình công cộng. Mới đây, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về chuyện bị dây diều rơi gây nguy hiểm khi đi ngang qua một công viên, chính quyền một phường ở quận 6 đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành xử lý hoạt động thả diều tùy tiện tại nhiều địa điểm trên địa bàn phường.

Thả diều vốn được xem là trò chơi dân gian lành mạnh, thường được tổ chức hoặc diễn ra ở những khu vực rộng rãi như cánh đồng, bãi biển... Dù thành phố, nhất là khu vực nội thành, nơi có nhiều nhà cao tầng, mật độ xe cộ dày đặc, hệ thống dây điện lẫn cáp viễn thông chằng chịt..., không phù hợp hoạt động thả diều, nhưng vẫn có một số khu vực thuận tiện và được chính quyền địa phương cho phép thả diều để người dân có thể vui chơi, giải trí hoặc giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc.

Tuy nhiên, hoạt động thả diều tùy tiện, tự phát gây ra nhiều hệ lụy cùng không ít nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng của người dân. Nếu bị rơi đột ngột, mất kiểm soát, những con diều kích cỡ lớn và dây diều có thể gây ra thương tích thậm chí đe dọa cả tính mạng con người, nhất là những người đang chạy xe trên đường. Tình trạng này đã xảy ra trong thực tế. Bên cạnh đó, thực tế đã và đang cho thấy khu vực thả diều thường phát sinh hoạt động bán hàng rong để phục vụ người chơi diều và “khán giả”.

Sau khi người chơi diều và người buôn bán hàng rong giải tán thì khu vực thả diều biến thành bãi rác với đủ loại thực phẩm thừa, chai, lọ..., nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và phát sinh các loại bệnh dịch. Không những vậy, cùng với rác thải từ hoạt động buôn bán hàng rong “ăn theo” người thả diều, những con diều bị sự cố, rơi xuống rồi vướng trên các cây xanh, trụ điện... ngoài việc gây mất an toàn còn để lại những hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Theo các chuyên gia đô thị, thả diều là nhu cầu vui chơi, giải trí chính đáng của người dân và cần được tôn trọng cũng như tạo điều kiện thuận lợi. Người dân được tự do lựa chọn thời gian, địa điểm thích hợp để thả diều, nhưng cần phải có ý thức bảo đảm an toàn cho người và các công trình công cộng; không thả diều ở những khu vực bị cấm... Còn theo các chuyên gia pháp luật, người thả diều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra sự cố, tai nạn gây tổn hại sức khỏe hoặc tử vong cho người khác.

Ngoài ra, theo các quy định pháp luật hiện hành, người chơi diều có thể bị phạt tiền nếu thả diều trong khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ hoặc gây ra sự cố cho lưới điện cao áp... Còn chính quyền các địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị liên quan cần sớm có quy hoạch, bố trí cụ thể những địa điểm, khu vực được phép thả diều và cấm thả diều, tổ chức lắp đặt biển báo rõ ràng để người dân biết. Đồng thời, tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm khắc những người thả diều không đúng nơi quy định.