Nhà vườn Hậu Giang tất bật chuẩn bị cây cảnh, hoa, trái cây Tết

NDO -

Thời điểm này, các nhà vườn Hậu Giang đang tất bật chăm sóc cây cảnh, hoa, trái cây phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. So với năm 2020, bà con đã chủ động giảm sản lượng, vì sợ gặp khó đầu ra, bởi tác động của dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chăm sóc xoài thư pháp phục vụ thị trường Tết.
Chăm sóc xoài thư pháp phục vụ thị trường Tết.

Nếu vụ hoa Tết mọi năm, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, trồng rất nhiều loại hoa với số lượng khá lớn để phục vụ thị trường Tết, thì năm nay số lượng giảm khoảng 30%. Chủng loại hoa cũng không phong phú, chỉ có vạn thọ và ớt kiểng. Dù đã giảm số lượng, nhưng gia đình vẫn rất lo lắng về thị trường hoa Tết năm nay. Bà Hân cho biết: “Năm 2020, nhà tôi trồng 1.000 chậu hoa, tầm 26 tháng Chạp là bán sạch vườn. Năm nay dịch bệnh dữ quá, nhà nào cũng thắt chặt chi tiêu. Lo nhu cầu không nhiều, nên tôi chủ động giảm số lượng. Hy vọng đầu ra thuận lợi, vì thông thường, ngày Tết nhà nào cũng có nhu cầu mua hoa, kiểng để trang hoàng nhà cửa!”.

Đến làng hoa Xáng Mới, ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, bà con đã khởi động vụ hoa Tết từ ngày 18-10 âm lịch. Ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã trồng hoa Xáng Mới cho biết: Vụ hoa Tết năm trước, toàn hợp tác xã có khoảng 200 nghìn chậu hoa các loại phục vụ thị trường. Nhưng năm nay, chỉ còn khoảng 150 nghìn chậu, chủ yếu là vạn thọ, păng-xê, hoa cúc các loại... Bà con tự giảm số lượng vì sợ khó tiêu thụ do dịch bệnh kéo dài. Hơn nữa, năm nay chi phí vật tư đầu vào, thuốc, phân bón... đều tăng hơn so với năm trước, dẫn đến giá thành sản xuất có thể tăng khoảng 20%-30%.

Để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, Hợp tác xã Mai Vàng Phú Hưng, ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành cũng đang tất bật chăm sóc khoảng 20 nghìn chậu mai vàng. Theo ông Lê Văn Ky, Giám đốc Hợp tác xã Mai vàng Phú Hưng, năm nay lượng mai chuẩn bị cho thị trường Tết có giảm chút ít. Nhưng điều đáng lo là đến thời điểm này, chưa có thương lái liên hệ đặt mua như mọi năm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hậu Giang, qua thống kê, các nhà vườn trong tỉnh trồng hơn 530 nghìn chậu hoa các loại, phổ biến nhất là hoa cúc các loại, vạn thọ, mai vàng, hoa giấy, hướng dương, ớt cảnh… phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022, giảm khoảng 34% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, các sản phẩm trái cây tạo hình của các nhà vườn Hậu Giang đã vang danh nhiều năm qua như bưởi tạo hình, xoài thư pháp, đào tiên hồ lô, dưa hấu thỏi vàng... cung cấp cho thị trường Tết với sản lượng hàng chục nghìn trái, nay cũng giảm sâu. Thống kê sơ bộ tới thời điểm này, dự kiến nhà vườn ở Hậu Giang sẽ có khoảng 500 trái bưởi tạo hình, 500 trái xoài thư pháp, khoảng 250 trái đào tiên hồ lô... giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm trước.

Các loại trái cây như xoài, bưởi, cam, quýt, mãng cầu, đu đủ, khóm… là những loại thường để chưng trong mâm ngũ quả phục vụ thị trường Tết cũng giảm. Tổng diện tích cây ăn trái thu hoạch dịp Tết của tỉnh Hậu Giang khoảng 2.480 ha, chủ yếu là xoài, bưởi, quýt, cam, mãng cầu, đu đủ, khóm… với sản lượng khoảng 26 nghìn tấn trái cây phục vụ thị trường, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà vườn Hậu Giang tất bật chuẩn bị hoa, kiểng, trái cây Tết -0
 Các nhà vườn chuẩn bị hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết.

3 năm qua, cứ mỗi dịp cận Tết là ông La Văn Nhiều, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chủ động xử lý từ 700-1.000 trái mãng cầu để chưng, theo hình thức bao trái xanh và trái vàng với giá bán cao gấp nhiều lần so với bán trái thường. Theo ông Nhiều, mâm ngũ quả của người Việt rất chuộng trái mãng cầu, nên năm nào gia đình ông cũng chuẩn bị để phục vụ cho bà con. Trung bình một trái mãng cầu chưng từ 500-800gram có giá bán hằng năm lên đến 40 nghìn đồng, cao gấp 4 lần so với thời điểm bình thường, nên mỗi vụ mãng cầu chưng Tết gia đình cũng kiếm được từ 25-30 triệu đồng.

Ông Nhiều cho biết thêm: “Trái mãng cầu chưng đạt chuẩn phải qua 40 ngày được bao bọc kỹ lưỡng mới cho ra màu sắc bắt mắt. Chính vì thế, từ ngày 15-11 âm lịch là gia đình ông đã tiến hành bao trái đến khoảng thời gian 25-26 tháng Chạp là thu hoạch bán. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng không biết đầu ra như thế nào, chỉ mong kiếm lời chút ít để ăn Tết”.

Còn ông Huỳnh Văn Tới, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc, hàng hóa nông sản bán không được dẫn đến giá bán liên tục giảm. Trong khi đó, giá cả phân bón lại tăng mạnh, nên vụ trái cây Tết năm nay không ai dám đầu tư nhiều. Như gia đình tôi canh tác 2 công xoài Đài Loan (Trung Quốc), mỗi năm đầu tư gần 10 triệu đồng để xử lý trái bán trong dịp Tết, nhưng năm nay chỉ đầu tư phân nửa. Đặc biệt là giảm lượng phân bón, sử dụng lại các bao trái cũ của năm trước và tận dụng nhân công lao động trong gia đình để sản xuất”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho hay: Hiện tại, các nhà vườn trong huyện đã chủ động xử lý hơn 600 ha cây ăn trái như xoài, bưởi, cam, quýt, mãng cầu xiêm, đu đủ, khóm để cho thu hoạch đúng vào dịp Tết, giảm gần 100 ha so với năm rồi, với sản lượng ước đạt khoảng 9.000 tấn.

Để hạn chế tác động của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến đầu ra của nông sản, trái cây vào dịp Tết, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp và các vựa nông sản trên địa bàn để giúp bà con tiêu thụ ổn định. Qua làm việc, các đơn vị cũng đã cam kết sẽ thu mua khoảng 70% sản lượng trái cây Tết năm nay của huyện.