Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ước diện tích trồng 25 loại cây ăn quả ở Nam Bộ hiện nay là khoảng 489.000 ha, tăng 29.300 ha so với năm 2020 và bằng 42,6% diện tích của cả nước. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 363.700 ha, vùng Đông Nam Bộ khoảng 125.400 ha, tăng hơn 10.000 ha.
Giá trái cây giảm sâu
Tại tỉnh Tiền Giang, riêng cây thanh long với sản lượng lớn nhưng do thu hoạch đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên thương lái gặp khó khăn trong thu mua, nhân công thu hoạch không có khiến giá trái cây giảm sâu, khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo vụ này trồng 0,7 ha thanh long ruột đỏ nhưng do ảnh hưởng của dịch, không thuê được nhân công. Vì vậy, bốn người trong gia đình thu hoạch được hơn 2,5 tấn quả thì thương lái ngừng thu mua vì không có đầu ra và vận chuyển khó khăn.
Do đó, gia đình ông liên hệ với các tổ chức xã hội thu hoạch để hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn và TP Hồ Chí Minh. Tính ra, vụ thanh long năm nay, gia đình ông bị lỗ hơn 50 triệu đồng. Còn gia đình ông Lê Thái Bảo, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè trồng 0,4 ha chanh không hạt. Ông Bảo tâm sự: “Vườn chanh đang ở độ tuổi cho trái sai, gia đình rất kỳ vọng vào vụ thu hoạch này. Nhưng dịch bùng phát nên không có thương lái thu mua. Gia đình tôi liên hệ với các tổ chức xã hội thu hoạch hỗ trợ cho người dân”.
Cục Trồng trọt cho biết, thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương Nam Bộ, ảnh hưởng đến tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu. Mặc dù các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp để trái cây được thu mua, thông quan, tiêu thụ và xuất khẩu nhưng một số thời điểm gặp khó khăn, dẫn đến giá thu mua thấp. Theo đó, giá bán một số cây ăn quả chính vụ có thời điểm ở mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: Nhãn, giá giảm khoảng 40 đến 50%; chôm chôm, sầu riêng giảm khoảng 20 đến 30%. Nguyên nhân là do thiếu thương lái, ngưng thu mua; việc vận chuyển giữa các địa phương trong vùng gặp khó khăn; giá vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng, cùng với đó thiếu nhân công lao động, khiến chi phí tăng theo.
Chủ động phương án sản xuất, tiêu thụ
Theo kế hoạch, năm 2021 tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt 1,58 triệu tấn quả. Đến nay, nhân dân đã thu hoạch được khoảng 1,3 triệu tấn quả các loại. Từ nay đến cuối năm, còn gần 300.000 tấn quả đến thời điểm thu hoạch và tiêu thụ. Dự báo, nhu cầu nông sản thời gian tới sẽ tăng nhanh khi các tỉnh, thành phố từng bước khống chế được dịch Covid-19.
Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát, đánh giá kỹ tình hình sản xuất, sản lượng của từng loại nông sản chủ lực để tiêu thụ trong nước, chế biến và xuất khẩu; phối hợp các đơn vị có liên quan hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo đảm gia tăng nhanh sản lượng nông sản hàng hóa kịp thời cung ứng cho thị trường; tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của tỉnh cũng sẽ tập trung điều tiết sản xuất các loại cây ăn quả phù hợp hơn để vừa bảo đảm sản lượng phục vụ tiêu dùng, vừa tránh tồn đọng, nhất là các loại quả phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như: thanh long, sầu riêng, mít...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan kết nối cung - cầu nông sản; tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh tiêu thụ”.
Năm 2021, ước sản lượng thu hoạch 13 loại cây ăn quả chủ lực khu vực Nam Bộ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, mít, bơ hơn 5,3 triệu tấn, trong đó vùng Đông Nam Bộ gần 1,2 triệu tấn, đồng bằng sông Cửu Long hơn 4,1 triệu tấn.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, trên cơ sở định hướng quy hoạch của tỉnh, của vùng và diễn biến dịch Covid-19, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát thực hiện đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua việc quản lý vùng trồng gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; hỗ trợ đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị trong tỉnh và ngoài tỉnh, bán các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; tiếp tục triển khai kế hoạch chi tiết về sản xuất, tiêu thụ các loại cây ăn quả; dự kiến thống kê sản lượng từng loại cây ăn quả cụ thể để có phương án tiêu thụ hiệu quả; dự báo và triển khai sản xuất cho từng đối tượng cây ăn quả phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Bài, ảnh: Hoàng Hùng và Nguyễn Sự