Vừa ra mắt, nền tảng chatbot tương tự ChatGPT của Trung Quốc phải đóng cửa vì gặp sự cố

NDO - Ngày 21/2, nhóm nghiên cứu của Đại học Phúc Đán, Trung Quốc đã phải xin lỗi sau khi một nền tảng chatbot giống như ChatGPT mà họ phát triển đã gặp sự cố vài giờ sau khi ra mắt, do lưu lượng truy cập tăng đột ngột.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: Đại học Phúc Đán.
Nguồn: Đại học Phúc Đán.

Ngày 20/2, thông báo của nhóm Đại học Phúc Đán về nền tảng mà họ đặt tên là MOSS đã ngay lập tức lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, tạo ra hàng chục triệu lượt truy cập trên Weibo, mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước mô tả đây là đối thủ đầu tiên của Trung Quốc đối với nền tảng ChatGPT của OpenAI.

Nhưng MOSS, nền tảng cùng tên với máy tính lượng tử siêu thông minh trong bộ phim bom tấn khoa học viễn tưởng "Lưu lạc Địa cầu 2" (Wandering Earth 2) của Trung Quốc, đã gặp sự cố ngay sau đó. Và đến hôm nay, 21/2, nhóm nghiên cứu cho biết nó sẽ không còn được mở cho người dùng nữa.

Sự ra mắt của MOSS và phản ứng của người dùng nhấn mạnh sự quan tâm dành cho AI và ChatGPT ở Trung Quốc cũng như những thách thức mà ngành công nghiệp nội địa nước này phải đối mặt, khi một số trường đại học và công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đua nhau sản xuất phiên bản tiếng Trung của ứng dụng chatbot do Microsoft hậu thuẫn.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Phúc Đán ban đầu mô tả MOSS là một mô hình ngôn ngữ đàm thoại giống như ChatGPT, nhưng sau đó họ đã thừa nhận còn nhiều điều cần cải thiện.

"MOSS vẫn là một mô hình rất non nớt, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được ChatGPT. Một phòng thí nghiệm nghiên cứu học thuật như chúng tôi không thể tạo ra một mô hình có khả năng gần với ChatGPT", thông báo đăng trên trang web của trường cho biết.

Thông báo của nhóm viết: "Tài nguyên máy tính của chúng tôi không đủ để hỗ trợ lưu lượng truy cập lớn như vậy và với tư cách là một nhóm học thuật, chúng tôi không có đủ kinh nghiệm kỹ thuật, tạo ra trải nghiệm và ấn tượng đầu tiên rất tệ đối với mọi người, và chúng tôi xin bày tỏ lời xin lỗi chân thành tới mọi người".

Trước đó, ChatGPT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh nhất trong lịch sử, cũng đã nhiều lần bị lỗi do lưu lượng truy cập lớn.