Với anh, tôi vừa là học trò, vừa là tư vấn

NDO - Trong những năm được trực tiếp làm việc với anh, vấn đề mà anh thường nhắc tôi cần đi sâu, đó là việc tổng kết công cuộc đổi mới. Đã nhiều lần được nghe ý kiến của anh và trình bày, trao đổi ý kiến về chủ đề này, nhờ đó tôi đã có thể vững tâm hơn khi viết và công bố một số chuyên đề góp phần tổng kết đổi mới.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt đến thăm một số cơ sở sản xuất đồ chơi và học cụ cho trẻ em, ngày 25/5/1979. (Ảnh tư liệu)
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt đến thăm một số cơ sở sản xuất đồ chơi và học cụ cho trẻ em, ngày 25/5/1979. (Ảnh tư liệu)

Anh đã lưu ý tôi cần tổng kết từ thời mở đầu khai phá đổi mới chứ không nên chỉ tổng kết từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986). Tôi đặc biệt tâm đắc gợi ý này của anh.

Nay nhân ngày giỗ đầu của anh, nhớ đến anh, trước hết tôi nhớ đến hình ảnh nhà lãnh đạo - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đã thực tế với vai trò tiên phong trong bước khai phá mở đầu công cuộc đổi mới từ 1979, ngay sau khi có Nghị quyết 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV).

Cuối năm 1979, với chức trách là người nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực lãnh đạo và quản lý kinh tế tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh với nhiệm vụ kép: nghiên cứu tìm hiểu thực tế triển khai Nghị quyết 6 của Trung ương vừa ban hành, và giảng dạy tại Phân hiệu 2 của trường Đảng. Lúc ấy nền kinh tế và đời sống của đất nước đang trong thời kỳ khủng hoảng, vô cùng khó khăn.

Ngay những ngày đầu làm việc ở Phân hiệu 2 chúng tôi đã được nếm trải hương vị khủng hoảng, mỗi ngày ăn một bữa cơm gạo, một bữa cơm bo bo. Lần đầu trong đời được ăn cơm bo bo, tôi đã chấp nhận vui vẻ như sự chia sẻ khó khăn chung của đất nước.

Thật bất ngờ, khi tìm hiểu thực tế ở thành phố đã chứng kiến sự kiện: lãnh đạo và nhân dân thành phố không cam chịu ăn cơm bo bo. Nghi vấn đặt ra rất tự nhiên: Tại sao sống giữa vựa lúa lại cam chịu ăn cơm bo bo?

Chính từ đó, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Công ty Kinh doanh lương thực, mà trên thực tế đã là cứu tinh giúp nông dân được bán lương thực, dân thành phố được mua lương thực, thay cho chế độ thu mua phân phối cấp phát đang đi vào ngõ cụt.

Chính thực tế khai phá đổi mới rất sôi động ở Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã lôi cuốn tôi vào cuộc thâm nhập thực tế thành phố để tìm chất liệu sống cho việc nghiên cứu giảng dạy.

Vào những năm từ 1979, người giảng dạy và nghiên cứu như tôi đã gặp may mắn: có nghị quyết mới của Trung ương bước đầu chấp nhận sự tồn tại của thị trường tự do với cơ cấu nhiều thành phần kinh tế. Khó khăn còn lại của người giảng dạy là cần hiểu nghị quyết mới được đưa vào đời sống như thế nào? Chính thực tế khai phá đổi mới rất sôi động ở Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã lôi cuốn tôi vào cuộc thâm nhập thực tế Thành phố để tìm chất liệu sống cho việc nghiên cứu giảng dạy. Từ đó, trong nhiều năm, tôi đã được gắn bó với cuộc tìm tòi khai phá đổi mới trên thực tế của Thành phố với vai trò vừa là người học trò say mê học kinh nghiệm thực tế, vừa là người giảng dạy và góp sức tổng kết thực tế.

Ấn tượng mạnh mẽ của tôi về cuộc khai phá đổi mới ở thành phố trong nhiệm kỳ của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt là thành phố đã có vai trò nhân tố mới tiêu biểu nhất trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV, năm 1979, đã mở ra trên cả nước công cuộc khai phá đột phá đổi mới rất cơ bản, toàn diện, thật sự là Của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Để hiểu đúng vai trò nhân tố mới của Thành phố Hồ Chí Minh và vai trò tiên phong của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, cần đặt trong toàn cảnh công cuộc khai phá đổi mới trên cả nước từ năm 1979. Đó là cuộc khai mở rất cơ bản, và do đó đã phải vượt qua những ngập ngừng do dự, thậm chí lùi bước.

Cuộc đổi mới được khai mở trong tình hình rất khó khăn, như hiện tượng “cùng tắc biến”. Thật vậy, từ năm 1977 đến năm 1979, việc triển khai Nghị quyết Đại hội IV vấp váp và tổn thất trên tất cả các mặt công nghiệp hóa, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hoá nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý. Sản xuất bị kìm hãm. Sản xuất và đời sống nhân dân đi xuống nhanh chóng, nhất là ở phía Nam, buộc phải tìm giải pháp mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (1979) ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ cho sản xuất và đời sống. Tầm quan trọng của nghị quyết này thể hiện trên hai mặt:

Trước hết, nghị quyết là nấc thang đầu tiên của việc đổi mới tư duy kinh tế, thể hiện ở sự chấp nhận và có phần khuyến khích kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân và quan hệ thị trường tự do đến mức nhất định, trong khi vẫn giữ quan điểm cơ bản và lâu dài là chế độ công hữu và cơ chế kế hoạch tập trung trực tiếp. Sự chấp nhận đó có thể coi là nấc thang mới, hơn nữa là bước đột phá trong đổi mới tư duy, vì đã bắt đầu vượt qua hai điều tối kỵ trong mô hình kinh tế-xã hội chủ nghĩa theo quan điểm chính thống từ trước đổi mới: chấp nhận kinh tế tư hữu và quan hệ thị trường tự do. Nói cách khác, đã vi phạm hai đặc trưng cơ bản của mô hình kinh tế-xã hội chủ nghĩa: chế độ công hữu hoàn toàn và chế độ kế hoạch hoá trực tiếp.

Thứ hai, nghị quyết là bước đầu đổi mới đến mức có điều chỉnh từ đường lối chính sách kinh tế, do đó đã trở thành cột mốc phân biệt thời kỳ đổi mới từ năm 1979 với thời kỳ của những cuộc vận động cải tiến quản lý kinh tế trước đó đặt trong khuôn khổ nghiêm ngặt của đường lối chính sách cũ. Những sai lầm, thất bại trong cải tạo hợp tác tập thể hóa cũng như về cơ chế quản lý trong những năm trước đổi mới có nguyên nhân cơ bản từ mặt sai của đường lối chính sách, không thể quy trách nhiệm cho đông đảo người thừa hành. Trong thời gian ấy, những sáng kiến như sử dụng kinh tế tư nhân, cá thể, mua bán theo giá cả tự do, “khoán hội” đương nhiên bị lên án vì trái với đường lối chính sách. Sự chấp nhận những sáng kiến ấy chỉ có thể diễn ra sau Nghị quyết Trung ương 6 năm 1979, nhưng cũng không hề đơn giản, nhẹ nhàng.

Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 6/1979 là nghị quyết khai mở thời kỳ đổi mới cơ bản từ đường lối, chính sách kinh tế. Hai nhà lãnh đạo thời đó: Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng là những người khởi xướng và chủ trì tổ chức bước đột phá này.

Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 6/1979 là nghị quyết khai mở thời kỳ đổi mới cơ bản từ đường lối, chính sách kinh tế. Hai nhà lãnh đạo thời đó: Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng là những người khởi xướng và chủ trì tổ chức bước đột phá này với hai việc nổi bật. Một mặt mở lớp học trang bị kiến thức mới cho đông đảo cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tổ chức nghiên cứu trù bị và mở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đi tới nghị quyết khai mở chính sách mới với sự nhất trí rất cao trong Đảng. Ngay sau nghị quyết này, từ năm 1979, 1980 đã mở ra những đột phá có hệ thống trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó xuất hiện nhiều nhân tố mới trên quy mô thành phố và tỉnh.

Thành phố Hồ Chí Minh, với ngọn cờ đổi mới của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, là địa bàn nổi tiếng năng động đổi mới có hiệu quả trong việc chuyển xí nghiệp quốc doanh sang hạch toán kinh doanh; về khai mở kinh doanh công thương nghiệp ngoài quốc doanh; về mở mang xuất, nhập khẩu và đặc biệt nhất là tổ chức kinh doanh bảo đảm lương thực cho thành phố thay cho cơ chế thu mua phân phối.

An Giang với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hơn và Long An với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính đã thực hiện thành công cơ chế mua bán theo giá thị trường về lương thực, nông sản, vật tư và hàng tiêu dùng thay cho cơ chế thu mua phân phối hiện vật trong quan hệ giữa Nhà nước với nông dân và người ăn lương. Đó là những nguồn kinh nghiệm để Trung ương tổng kết mở rộng áp dụng trên cả nước từ năm 1985 đến năm 1989. Hải Phòng với Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo và Chủ tịch Đoàn Duy Thành đã thực hiện thành công cơ chế khoán mới trong hợp tác xã nông nghiệp, trực tiếp giúp Trung ương tổng kết và ban hành Chỉ thị 100 thực thi khoán mới trên cả nước.

Trong công cuộc xây dựng kinh tế ở nước ta, lần đầu tiên diễn ra tình hình chưa từng có, một phong trào quần chúng năng động phát triển sản xuất lưu thông: phong trào nông dân nhận khoán, phong trào phát huy tự chủ năng động của đơn vị cơ sở và địa phương với những điển hình làm ăn có hiệu quả nổi bật. Đây là một mặt. Mặt khác, sự bung ra của thị trường tự do, với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, ngày càng lấn át đục khoét kinh tế quốc doanh và "thị trường có kế hoạch". Hợp tác xã ngày càng rệu rã. Mặt trận giá, lương, tiền, phân phối lưu thông cực kỳ rối loạn, nóng bỏng. Nhà nước bị tổn thất lớn về của cải, ngày càng rơi vào thế gần như mất khả năng điều khiển.

Trước thực trạng đó, đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận cọ xát kéo dài và rất gay cấn về lý luận và chính sách kinh tế trên tất cả các vấn đề: cải tạo, sử dụng kinh tế tư hữu và thị trường tự do, khoán sản phẩm, hạch toán kinh doanh của đơn vị cơ sở, phân cấp quản lý kinh tế và kế hoạch hoá, cơ chế xử lý giá, lương, tiền... Nhìn một cách tổng quát, mọi cuộc tranh luận đều có thể quy vào vấn đề: không thể không chấp nhận cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhưng từ đó liệu có còn "kinh tế-xã hội chủ nghĩa"?. Cụ thể là còn quốc doanh hợp tác xã và thị trường có tổ chức ngày càng mạnh lên không? hay tất yếu sẽ trượt dài sang cơ chế thị trường mà lúc đó được coi như là một nguy cơ làm mất chủ nghĩa xã hội?

Trong cuộc tranh luận kéo dài đó, có hai xu hướng trái ngược nhau: xu hướng chấp nhận kinh tế hàng hóa nhiều thành phần như chiến lược lâu dài và xu hướng chấp nhận như bước lùi sách lược tạm thời, gắn với những nhận thức khác nhau về mô hình kinh tế-xã hội chủ nghĩa và con đường xây dựng nền kinh tế ấy.

Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (8/1979) đến Đại hội V (3/1982), xu hướng khai mở cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và cơ chế quản lý mới là xu hướng nổi bật. Nhưng sau Đại hội V, từ năm 1983, trước những khó khăn về kinh tế-xã hội, đã nổi lên xu hướng qua lại chính sách và cơ chế cũ.

Hội nghị Trung ương 5 (12/1983) và Hội nghị Trung ương 6 (7/1984) đánh giá nguyên nhân của tình hình khó khăn do chậm chạp trong cải tạo xã hội chủ nghĩa và cải tạo thị trường tự do; chủ trương đẩy mạnh cải tạo. Bước lùi đó làm cho khủng hoảng kinh tế-xã hội càng nghiêm trọng. Nhà nước Trung ương càng khó khăn bế tắc. Trong khi đó, một số địa phương và doanh nghiệp nhà nước đã có kinh nghiệm thành công nổi bật trong kinh doanh, mua bán thật sự theo giá cả thị trường; thoát khỏi nạn "mua như cướp, bán như cho" và nghịch cảnh "mua không được, bán không được" mà Nhà nước đang vấp phải.

Trong bối cảnh đó, từ năm 1985 lại nổi lên xu hướng thúc đẩy đổi mới khai mở mạnh mẽ hơn cho cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và thị trường tự do. Tiêu biểu cho xu hướng mới là Hội nghị Trung ương 8 (tháng 6/1985). Trong tình hình đó, việc nghiên cứu trù bị Văn kiện Đại hội VI, khởi đầu từ năm 1984, đã qua hai bước: Bước đầu từ năm 1984 ở cấp các tổ biên tập, cơ bản theo hướng của các nghị quyết Trung ương 5 và 6 khóa V như trên vừa nêu.

Từ năm 1985, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã có nhiều hội nghị bàn về chính sách kinh tế theo xu hướng mới. Tháng 8/1986, Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, đã ra văn kiện kết luận về quan điểm kinh tế, làm cơ sở biên tập dự thảo văn kiện, được Đại hội VI thông qua thành quan điểm chính thống: phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần như chiến lược lâu dài.

Đặt trong bối cảnh chung của công cuộc khai phá đổi mới từ năm 1979, càng thấy rõ vai trò của các nhân tố mới trên thực tế là cực kỳ quan trọng trong bước chuyển tất yếu nhưng cũng rất trắc trở, khó khăn, phức tạp.

Nói riêng về vai trò nhân tố mới của Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện tầm cỡ đường lối chiến lược của nhà lãnh đạo Võ Văn Kiệt, chúng tôi thấy nổi lên hai thành quả lớn: Một là, đã thực tế khai mở công cuộc đổi mới rất cơ bản, toàn diện và thật sự là của dân; Thứ hai, trên thực tế đã tạo ra cục diện đổi mới không thể đảo ngược của quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập. Trên đây đã nói về cuộc đấu tranh để đất nước có thể vượt qua bước lùi vào các năm 1983 và đầu 1984, mà một nguyên nhân chính là nhờ đã có thành công của nhân tố mới. Có một mẩu chuyện về quy trách nhiệm "tạo cục diện" ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1983.

Khi có Nghị quyết Trung ương đặt nhiệm vụ tái cải tạo, ở thành phố đã có nhận định: Sự bung ra của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và của thị trường tự do đã diễn ra từ nước Đại hội V, trong nhiệm kỳ của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt. Đó là sự quy trách nhiệm "sai lầm”. Nhưng đến năm 1985 với Nghị quyết Trung ương 8 khóa V, việc tạo "cục diện" như vậy lại có thể được quy công.

Đến đây lại có thể nói: Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo có khả năng tạo cục diện mới, không thể bị đảo ngược. Tính chất không thể bị đảo ngược có gốc từ chỗ: đó là cục diện thuận dòng tiến hoá lịch sử, thuận lòng quốc dân, có tính bất khả kháng từ nền tảng nhân dân.

Tôi đã gắn bó với nghề nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn trong lĩnh vực kinh tế từ năm 1961 với lòng yêu nghề tha thiết, trong đó thời kỳ được làm việc say mê và chủ động nhất là từ lúc khởi đầu cuộc đổi mới (1979) đến nay.

Trong quan hệ với anh, từ khi anh còn làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi là người ngưỡng mộ anh, tự coi là học trò say mê học tập thực tế sáng tạo của những nhân tố mới, đồng thời là người tổng kết cổ vũ các nhân tố mới. Thời gian được làm việc trực tiếp với anh bắt đầu từ cuối năm 1993, khi với cương vị Thủ tướng Chính phủ, anh đã quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn trực thuộc Thủ tướng. Từ đó tôi được làm việc với anh khi anh còn đương chức cũng như khi đã thôi nhiệm kỳ.

Trong 15 năm ấy tôi thật sự vừa là học trò, vừa là tư vấn. Đã học được ở anh trước hết là nhiệt tình cách mạng và tâm huyết với sự nghiệp của Đảng, của đất nước và lòng ham mê tìm học suy nghĩ sáng tạo. Còn học được nhiều ở các chiến hữu trong nhóm làm việc với anh.

Anh đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng tấm gương sáng còn đó. Lịch sử cuộc đổi mới đã ghi đậm dấu ấn của anh Sáu Dân - Võ Văn Kiệt cùng nhiều nhà cách mạng tiền bối.