Võ Văn Kiệt - một nhà lãnh đạo thực tiễn rất hiểu và thương cán bộ

NDO - Tôi biết anh Võ Văn Kiệt từ khoảng cuối năm 1949, khi anh từ Rạch Giá về Bạc Liêu, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Anh bắt đầu biết tôi qua các bài báo tôi viết ở tờ Thông tin Bạc Liêu và Tiếng súng kháng địch (báo của Quân khu 9). Lúc đó tôi công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bạc Liêu.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các kỹ sư, công nhân ngành điện. (Ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các kỹ sư, công nhân ngành điện. (Ảnh tư liệu gia đình Thủ tướng)

Từ đó, sau một thời gian xa cách anh đi miền Bắc và trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thì tôi được chuyển về Huyện ủy Giá Rai (Bạc Liêu) phụ trách tuyên huấn. Khi có Hiệp định Genève (20/7/1954) thực hiện việc chuyển quân tập kết ra Bắc, tôi được bố trí ở lại và chuyển vùng từ huyện Giá Rai qua huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) và anh được Xứ ủy phân công làm phó Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang.

Do một tên chiêu hồi phản bội chỉ điểm, tôi bị địch bắt vào tháng 6/1955. Suốt 9 năm ở tù (1955-1963), qua các nhà tù Gia Định-Biên Hòa, Phú Quốc, Côn Đảo và trở về đất liền, tôi đã vượt ngục ở Năm Căn (Cà Mau) và được cấp trên bố trí cho về công tác ở tỉnh Sóc Trăng; vì lúc bấy giờ những nơi công tác cũ của tôi là Vĩnh Lợi và thị xã Bạc Liêu đã nhập về tỉnh Sóc Trăng. Lúc này tôi được biết anh Kiệt đang làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định (T4). Ở Sóc Trăng, tôi được phân công làm Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, anh Kiệt từ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định (T4) được Trung ương Cục chuyển về làm Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ (T3). Khoảng tháng 1/1970, anh về dự Hội nghị Tỉnh ủy Sóc Trăng. Anh hỏi các đồng chí tỉnh ủy: "Cậu Quang bây giờ công tác gì? Sao không thấy ở đây, đã vào Tỉnh ủy chưa?".

Các đồng chí trong Tỉnh ủy trả lời với anh là tôi công tác tuyên huấn và chưa vào Tỉnh ủy vì còn phải kiểm tra thời gian ở tù. Các đồng chí thuật lại với tôi là anh nói: "Đã ở tù 9 năm và lại tổ chức vượt ngục cả 47 người, nội chỗ đó là tin được rồi, vô Tỉnh ủy được rồi!".

Thế là sau đó, tôi được bổ sung vào Tỉnh ủy làm Tỉnh ủy viên phụ trách tuyên huấn. Hai năm sau, năm 1972 tôi được điều động về làm ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy miền Tây. Tháng 1/1973, sau khi ký Hiệp định Paris, tôi được phân công tham gia vào Tổ liên hiệp đình chiến ở khu Tây Nam Bộ với danh nghĩa là sĩ quan báo chí. Dù không muốn nhưng phải chấp hành. Một ngày tháng 3/1973, chúng tôi - Tổ liên hiệp đình chiến khu Tây Nam Bộ tập hợp tại một địa điểm ở vùng Long Mỹ (Cần Thơ) để chờ máy bay Mỹ đến đón ra thành phố làm nhiệm vụ, theo thỏa ước giữa ta và Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn. Chờ suốt cả buổi mà chưa thấy máy bay đâu.

Khoảng 10 giờ thì bỗng nhiên có một loạt bom pháo và súng nổ giòn giã cách điểm hẹn độ một cây số. Thế là kẻ địch đã công khai phá hoại đình chiến, xua quân lấn đất, giành dân ở Tây Nam Bộ. Trong chiến dịch phá hoại Hiệp định Pari tại đây, địch đã huy động cả 75 tiểu đoàn, cả thủy, lục, không quân, lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Chúng tôi, Tổ liên hiệp đình chiến rút về căn cứ. Hôm sau, gặp anh Kiệt, anh đang dự cuộc họp Tỉnh ủy Cần Thơ, gần địa điểm tập kết của chúng tôi. Gặp tôi, anh hỏi: - Cậu làm gì ở đây?" Tôi đáp: - Làm sĩ quan báo chí trong Tổ liên hiệp đình chiến.

Anh có vẻ bực bội: - Không có đình chiến, sĩ quan liên hiệp gì cả. Tình hình này, công tác tuyên huấn đang cần anh hơn.

Với anh em ở Tổ liên hiệp, anh nói: "Tôi đã ra lệnh với Tỉnh ủy Cần Thơ và các đơn vị chiến đấu là đánh trả lại lập tức hành động lấn chiếm ngoan cố của địch. Vài anh băn khoăn hỏi lại: “Không chờ lệnh cấp trên sao?". Anh đáp thẳng thừng: "Không chờ được, phải vừa đánh trả vừa báo cáo. Nguyên tắc cao nhất của chúng ta là: "Không để thua kẻ địch"... Sự chỉ đạo sáng suốt của anh và Khu ủy miền Tây đã có tác dụng to lớn làm rõ bản chất ngoan cố, hiếu chiến của Mỹ-Thiệu trong mưu đồ "Việt Nam hóa chiến tranh” dẫn đến cuộc phản công chiến lược toàn miền Nam của quân dân ta, tương quan lực lượng giữa ta và địch ngày càng thay đổi. Anh được rút về R, làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

Mùa xuân lịch sử 1975 mở ra thời cơ chiến lược tổng tấn công và nổi dậy dẫn đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, đưa đến toàn thắng ngày 30/4/1975, Sài Gòn và toàn miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau thời gian quân quản, anh Võ Văn Kiệt trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó làm Bí thư Thành ủy. Ở miền Tây, các cơ quan Khu ủy vào tiếp quản thành phố Cần Thơ. Lúc bấy giờ tôi là Ủy viên Thường trực của Ban Tuyên huấn Khu ủy. Hai tháng sau ngày giải phóng, anh Tư Bình (Vũ Đình Liệu), Bí thư Khu ủy đi họp với Trung ương Cục ở Sài Gòn về phổ biến với tôi là anh Kiệt xin tôi về công tác tuyên huấn ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi phân vân vì lúc ấy vợ tôi vừa được giải phóng ra khỏi nhà tù của Mỹ-Thiệu. Vợ và ba con nhỏ tôi chưa có nhà cửa gì, phải tạm ở nhờ cơ quan Ban Tuyên huấn Khu. Hiểu được hoàn cảnh của tôi, Ban Tuyên huấn Khu ủy theo ý kiến của anh Kiệt cho xe đưa cả gia đình tôi về Sài Gòn… Công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã từng chứng kiến và tuyên truyền cổ vũ cho những hoạt động đầy năng động, sáng tạo của anh, của Thành ủy trong vấn đề xoay xở mạnh dạn xé rào, chạy lo lương thực cho dân, khoán sản phẩm đến người lao động, v.v. để từng bước thoát ra khỏi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thời đó, góp phần có hiệu quả với Trung ương trong việc xây dựng đường lối đổi mới của Đảng ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986).

Một ngày vào khoảng tháng 3/1981, tôi với nhiệm vụ là Phó Ban Thường trực Ban Tuyên huấn Thành ủy đến tham gia cuộc họp của Thường vụ Thành ủy tại Hội trường 56 Trương Định. Sau cuộc họp, tôi ra về thì có người chạy theo nói: "Anh Sáu gọi anh trở lại có việc". Tôi trở vào thì thấy bàn hội nghị khi nãy đã dọn ra một bữa cơm có bia và đồ ăn khoái khẩu của dân Tây Nam Bộ như lẩu mắm... Hai anh Ba Hùng và Ba Huấn, thư ký của anh Kiệt đã ngồi sẵn ở bàn. Anh Sáu từ trong bước ra. Anh cười nói: "Kêu cậu lại ăn cơm với món mà tôi biết là cậu rất khoái”. Uống xong một cốc bia, Anh nói: “Quang à! Mình đưa cậu về làm Giám đốc Đài truyền hình, thay ông Tư Tiểng à nghe”.

Tôi giật mình: “Anh Tư Tiểng còn đó mà về nỗi gì!”.

- Ảnh già và đang bệnh, cần có người thay.

Tôi phân bua: "Anh biết tôi rồi mà. Tôi có học kỹ thuật truyền hình ngày nào đâu mà làm được. Nếu cần, anh đưa tôi qua viết báo thì được, chớ báo hình thì làm sao làm được".

Anh cười đặt ly bia xuống bàn: "Cậu có đọc Tam Quốc không?".

Tôi đáp: "Đọc hồi còn học trò lận".

- Đã đọc thì cậu biết Lưu Bị chứ? Ông ta có giỏi gì đâu. Võ thì thua Triệu Tử Long, Quan Công, Trương Phi. Còn văn và mưu thì sao bì được với Gia Cát Lượng, Bàng Thống... Thế mà sao ông ta làm vua, chỉ huy được những tay cừ khôi đó?".

Không đợi tôi trả lời, anh nói luôn: "Tôi biết cậu người hiền, có đức độ biết lắng nghe anh em, biết đoàn kết tập hợp được anh em. Đài Truyền hình có nhiều thành phần: Nam có, Bắc có, cách mạng có, người cũ lưu dung của đài cũng nhiều nên rất cần có cậu”.

Tôi tìm cách lần khân: "Anh cho tôi về suy nghĩ một tuần".

Anh trả lời dứt khoát: "Không có suy nghĩ gì nữa hết. Đây là nghị quyết của thường vụ, tôi đã bàn xong với các đồng chí Thường Vụ Thành ủy. Cậu về thu xếp qua đài. Anh Tư Tiểng đang bệnh, nằm bệnh viện cả tháng nay”.

Thế là tôi trải qua 8 năm làm ở Đài Truyền hình trước khi về công tác ở Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng của Thành ủy.

Không hiểu sao cuộc đời, cuộc chiến đấu luôn cho tôi được vinh dự gắn bó với anh qua những mô mốc của lịch sử Tây Nam Bộ và của Sài Gòn từ những năm dài kháng chiến đến những năm đầu giải phóng. Anh không những là một nhà lãnh đạo rất hiểu và thương cán bộ, mà còn là người cha rất mực thương con, đặc biệt là không bao giờ lợi dụng vị trí của mình để đưa con vào những địa vị, những chức quyền mà chúng không có khả năng. Anh đã lấy tên con đặt bí danh cho mình, như một thời là Chín Dũng, Dũng là tên con trai lớn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và sau này là tên Sáu Dân, tên con gái. Dũng con trai anh được tổ chức cho tập kết đi học ở miền Bắc hồi năm 1954. Học hết phổ thông, cậu ta đòi về Nam chiến đấu chứ nhất quyết không chịu học cao hơn nữa. Về miền Nam, cậu ta đòi đi bộ đội. Anh Sáu đưa qua chỗ anh Sáu Nam (Lê Đức Anh) lúc đó làm Tư lệnh Quân khu 9.

Tôi nhớ, khoảng giữa năm 1970, tôi phụ trách phân ban của Tỉnh ủy Sóc Trăng ở vùng Hồng Dân-Vĩnh Lợi. Một bữa nọ, cậu bảo vệ dẫn vào căn chòi làm việc của tôi ở vùng căn cứ xã Ninh Quới một cậu thanh niên đẹp trai trong bộ quân phục màu xám đã cũ, nói: "Cậu này xin gặp chú! Hỏi ra tôi mới biết đó là Dũng con anh Kiệt. Cậu ta nói: "Cháu trong đội bảo vệ chú Lê Đức Anh. Biết căn cứ của chú có nhiều hầm bí mật nên đến xin chú nhường cho chú Tư lệnh một cái hầm tươm tất để phòng khi giặc càn. Hiện nay đoàn của cháu cùng chú Tư lệnh đi chiến trường, đóng tạm ở khu rừng lá đáp với căn cứ của chú, chưa kịp làm hầm cho chú Tư lệnh".

Tôi cười vỗ vai cháu: "Được quá đi chớ, người bảo vệ của chú sẽ dẫn cháu đi xem hầm và về báo lại với chú Sáu Nam" .

Sau đó, chú cháu tôi vừa uống trà vừa tâm tình. Tôi hỏi cháu sao không đi học một lớp chính trị rồi ra làm cán bộ mà đi làm bảo vệ. Cháu đáp: "Cháu đòi đi bộ đội chiến đấu mà ba cháu chưa chịu nên gởi cháu qua chỗ chú Sáu Nam, nói để có thời gian làm quen chiến trường rồi sẽ tính". Tôi hỏi: "Vì sao cháu muốn đi bộ đội?". Dũng đáp: "Cháu muốn trả thù cho mẹ và em cháu bị giặc Mỹ giết hại trong một chuyến tàu trên sông. Việc đó chắc chú đã biết, ở miền Bắc nghe tin đó, cháu nhất quyết xin về Nam để trả thù cho mẹ và em cháu cùng đồng bào đã bị địch giết hại".

Thật là một chàng trai có khí phách, quý biết bao. Sau đó vài năm, tôi được biết tin cháu vào bộ đội, chiến đấu rất anh dũng và than ôi, cháu đã hy sinh oanh liệt trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Nam Bộ.

Những năm cuối đời của anh Sáu Dân, tôi được vinh dự làm việc với anh qua công tác biên tập về hai công trình: Ba mươi năm Nam Bộ kháng chiến và Lịch sử Kháng chiến của Tây Nam Bộ.

Anh Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, một nhà lãnh đạo suốt đời vì nước, vì dân, một nhà thực tiễn, luôn đi sát cuộc sống, cuộc chiến đấu rất năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là một nhà lãnh đạo rất gần, rất hiểu và thương cán bộ.