Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana Phạm Ngọc Hùng đang có mặt tại hiện trường cho biết: Vào sáng sớm nay, 13-8, một đoạn đê bao Quảng Điền, che chắn chung quanh các cánh đồng để chống ngập đã bị vỡ hơn 10 m khiến nước sông Krông Ana tràn vào cánh đồng làm ngập lụt diện tích lớn lúa sắp thu hoạch của người dân. Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đê, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và chính quyền địa phương, bằng mọi phương tiện và con người phải gia cố ngay đoạn đê bị vỡ để cứu lúa, giảm thiểu thiệt hại cho bà con. Từ sáng sớm đến nay, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ cùng nhân dân các xã Quảng Điền, Bình Hòa nỗ lực đắp đê cứu lúa, nhưng vẫn chưa khắc phục được. Do nước sông Krông Ana dâng cao, nước chảy xiết ồ ạt tràn vào cánh đồng nên chưa thể đắp lại được đoạn đê bị vỡ này và còn xói mòn có nguy cơ vỡ thêm nhiều đoạn đê khác.
Hàng trăm ha lúa sắp thu hoạch của nông dân xã Quảng Điền, huyện Krông Ana bị nước lũ nhấn chìm.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, hiện nay vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại do việc vỡ đê và ngập lụt gây ra, toàn huyện đang dồn sức cho việc đắp đê cứu lúa.
Như Nhân Dân điện tử đã thông tin, sau những cơn mưa lớn kéo dài, mực nước sông Krông Ana dâng cao, tràn vào cánh đồng lúa rộng hơn 1.000 ha sắp thu hoạch của nông dân nằm trên địa bàn hai xã Quảng Điền và Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc. Để cứu lúa, trong ba ngày qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương ngày đêm cùng nhau đắp đê cứu lúa sắp thu hoạch. Đến chiều 12-8, việc gia cố đê bao Quảng Điền tạm ổn.
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Krông Ana và xã Quảng Điền nỗ lực ngăn lũ để cứu lúa.
Tuy nhiên, do nước sông Krông Ana tiếp tục dân cao nên sáng nay 13-8 đã làm vỡ một đoạn đê bao Quảng Điền khiến nước lũ tràn vào làm ngập lụt trên diện rộng diện tích lúa sắp thu hoạch của nông dân địa phương.
Công trình đê bao Quảng Điền có chiều dài hơn 70 km, được đầu tư, xây dựng vào năm 2014 với số tiền hơn 312 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa và cấp nước tưới cho 1.255 ha lúa nước, biến hơn 3.000 ha đất sản xuất lúa nước một vụ thành hai vụ với năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/năm, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hơn 1.800 hộ dân với hơn 9.000 nhân khẩu trong vùng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, công trình này nhiều đoạn đã bị xuống cấp, hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng.