VNSTEEL - hướng đến một tập đoàn đa ngành, đa sở hữu

Dây chuyền công nghệ sản xuất thép hiện đại ở công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên ( Tổng công ty thép Việt Nam).
Dây chuyền công nghệ sản xuất thép hiện đại ở công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên ( Tổng công ty thép Việt Nam).

Qua nhiều lần sắp xếp, đổi mới, đến nay sau 15 năm, Tổng công ty đã phát triển lớn mạnh không ngừng, với đội ngũ lao động có tay nghề, trình độ cao, cùng trang thiết bị và công nghệ hiện đại, đưa ngành thép trở thành ngành công nghiệp trọng điểm của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Tổng công ty đã khẳng định vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, tích cực tham gia bình ổn thị trường thép trước những biến động, đem lại kết quả thiết thực, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực hiện chiến lược đầu tư phát triển

Tổng công ty Thép Việt Nam là một trong 17 Tổng công ty 91 được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 1995. Mục đích là xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh đa ngành trên nền tảng sản xuất và kinh doanh thép, hoạt động kinh doanh chủ yếu trên các lĩnh vực như khai thác quặng sắt, than mỡ, sản xuất gang, thép và các kim loại, sản phẩm thép,.... Tổng công ty kế tục sự nghiệp của các đơn vị thuộc Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Vật tư trước đây, gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước nói chung và ngành công nghiệp luyện kim nói riêng. Ngày 16-3-1996, Tổng công ty chính thức đi vào hoạt động, được xếp doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt theo Quyết định số 185/TTg ngày 28-3-1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm năm (1995 - 1999), Tổng công ty chủ yếu tập trung cải tạo, nâng công suất các nhà máy hiện có, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với nước ngoài để tranh thủ vốn và công nghệ hiện đại. Tổng công ty là đơn vị đi đầu ngành công nghiệp về lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tổng công ty đã cùng các đơn vị trong ngành cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về chủng loại thép xây dựng thông thường, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra là "đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường cho xã hội". Ngày 10-9-2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 134/2001/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2010. Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để Tổng công ty thực hiện chiến lược đầu tư phát triển của mình. Theo quy hoạch được phê duyệt, Tổng công ty nghiên cứu chuẩn bị, đầu tư chiều sâu các cơ sở hiện có và đầu tư mới khoảng 11 dự án lớn, trong đó mục tiêu tập trung đầu tư sản xuất phôi thép và thép dẹt. Tổng công ty tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp sâu rộng và có nhiều bước phát triển, liên tục hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004 đạt 7.945 tỷ đồng, tăng gần 270% so với năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân năm năm đạt 31,9%; sản lượng thép cán đạt gần tám triệu tấn; phôi thép đạt 2,3 triệu tấn,...

Hướng đến tập đoàn đa ngành

Ngày 23-11-2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 267/2006/QÐ-TTg, thành lập công ty mẹ - Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), chính thức đi vào hoạt động theo mô hình này từ ngày 1-7-2007. Trong các năm qua, VNSTEEL đã đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng cho các dự án trọng điểm có quy mô lớn, như dự án cải tạo và mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn I, công suất 240 nghìn tấn phôi thép/năm, tổng mức đầu tư 695 tỷ đồng, đi vào sản xuất năm 2003; dự án Nhà máy Thép cán nguội Phú Mỹ, công suất 405 nghìn tấn thép băng cuộn cán nguội, tổng mức đầu tư 1.878,8 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2005; dự án Nhà máy Thép Phú Mỹ, công suất 400 nghìn tấn thép cán và 500 nghìn tấn phôi thép, tổng mức đầu tư 2.343,76 tỷ đồng, đi vào sản xuất năm 2005,... Các dự án này đã và đang khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sản lượng, chủng loại và chất lượng thép, đồng thời xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, Tổng công ty còn tập trung triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm như dự án Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh, công suất 4,5 triệu tấn thép/năm, dự kiến đầu tư khoảng 66 nghìn tỷ đồng; dự án cải tạo Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, công suất 500 nghìn tấn phôi thép/năm, tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, dự án Nhà máy thép tấm cán nóng 2 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng... Tổng công ty đang hợp tác với Tư vấn chiến lược Mc Kinsey & Co xây dựng chiến lược phát triển Tổng công ty đến năm 2015, tầm nhìn năm 2025 phát triển bền vững thành Tập đoàn Thép Việt Nam đa ngành nghề, đa sở hữu.

Ðến năm 2010, năng lực sản xuất thép cán của Tổng công ty đạt 3,5 triệu tấn/năm, tăng gấp 8,5 lần so với năm 1995. Năng lực sản xuất phôi thép năm 2010 đạt 1,5 triệu tấn/năm, tăng gấp 4,5 lần so với năm 1995. Doanh thu năm cao nhất đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ 4.700 tỷ đồng,  tổng tài sản trong hệ thống Tổng công ty 36 nghìn tỷ đồng.

Ðội ngũ công nhân, người lao động toàn Tổng công ty gần  20 nghìn người, 30% lao động có trình độ đại học trở lên và hơn 30% lao động có tay nghề cao. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng khác thỏa mãn tiêu chí kinh doanh đa ngành, đa nghề của một tập đoàn kinh tế mạnh. Với thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất đạt mức tiên tiến trong khu vực và thế giới, hệ thống quản lý phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm của các công ty trong hệ thống VNSTEEL có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Sản phẩm của VNSTEEL ngày càng có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu, đoạt nhiều giải thưởng danh giá, đang hội tụ thành thương hiệu lớn VNSTEEL.

Trong 15 năm qua, song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, VNSTEEL không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý doanh nghiệp, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Qua nhiều lần sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, đến nay hệ thống cơ cấu tổ chức của Tổng công ty đã có sự thay đổi căn bản. Tất cả các công ty con và công ty liên kết của VNSTEEL đã hoàn thành tiến trình cổ phần hóa hoặc chuyển đổi mô hình sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Công ty mẹ đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo cổ phần hóa Bộ Công thương, dự kiến hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần trước tháng 2-2011. Trong thời kỳ đổi mới, ngoài việc củng cố quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác trong nước, VNSTEEL còn xây dựng quan hệ đối tác với nhiều nhà sản xuất luyện kim hàng đầu thế giới, hợp tác kinh doanh có hiệu quả với nhiều đối tác trên toàn cầu, thể hiện bước tiến vượt bậc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát huy tinh thần tương thân, tương ái và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trong những năm qua, VNSTEEL đã quyên góp, ủng hộ hơn 100 tỷ đồng cho đồng bào bị bão lụt và thiên tai; ủng hộ các Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Vì người nghèo, ủng hộ người tàn tật, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, xây dựng nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm, xây dựng trường học, trạm y tế cho đồng bào vùng sâu, phụng dưỡng 26  Bà mẹ Việt Nam Anh hùng,...

Thực hiện vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước đối với xã hội, ngoài việc đóng góp đầy đủ ngân sách cho Nhà nước, VNSTEEL đã làm tốt công tác tham gia bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VNSTEEL đã tích cực tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng trong nước, đem lại kết quả thiết thực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khẳng định vai trò chủ đạo, đi đầu của ngành thép Việt Nam. Ðầu năm 2008, VNSTEEL là một trong hai doanh nghiệp được Thủ tướng tặng Bằng khen đột xuất về thành tích bình ổn giá và kiềm chế lạm phát.

Những phần thưởng cao quý

1. Tổng công ty:

- Huân chương Ðộc lập hạng ba, năm 2009;

- Huân chương Lao động hạng nhất, năm 2003.

2. Ðảng bộ Tổng công ty:

- Cờ thi đua của Ðảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư, năm 2008.

3. Công đoàn Tổng công ty:

- Huân chương Lao động hạng nhì, năm 2008;

- Huân chương Lao động hạng ba, năm 2003.

4. Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh Tổng công ty:

- Bằng khen của T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, năm 2009.

5. Các đơn vị thành viên, trực thuộc, các công ty con, công ty liên kết và cá nhân:

- Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: 1 tập thể, 1 cá nhân;

- Anh hùng thời kỳ đổi mới: 1 tập thể;

- Huân chương Ðộc lập hạng nhất: 1 tập thể, 1 cá nhân;

- Huân chương Ðộc lập hạng nhì: 2 tập thể;

- Huân chương Ðộc lập hạng ba: 3 tập thể, 2 cá nhân;

- Huân chương Lao động hạng nhất: 10 tập thể, 3 cá nhân;

- Huân chương Lao động hạng nhì : 5 tập thể,

1 cá nhân;

- Huân chương Lao động hạng ba: 6 tập thể,

19 cá nhân;

- Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ: 11 tập thể;

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 29 tập thể và 45 cá nhân;

- Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 8 cá nhân;

- Cờ thi đua của Bộ Công nghiệp (Bộ Công thương): 25 tập thể;

- Chiến sĩ thi đua Bộ Công nghiệp (Bộ Công thương): 153 cá nhân;

- Hàng nghìn Bằng khen, Kỷ niệm chương các loại của các bộ, ngành T.Ư; các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các địa phương cho các tập thể và cá nhân thuộc VNSTEEL.

      TÙNG QUANG